Ngày 22/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, cùng lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến ngày 22/4/2020, Việt Nam có 268 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố, đã có 222 trường hợp đã khỏi bệnh ra viện, còn 46 trường hợp đang được đỉều trị, chưa có trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, đến nay có tổng số 112 ca mắc (81 trường hợp đã khỏi ra viện, 31 trường hợp đang điều trị).
Sở Y tế nhận định, trên địa bàn Thành phố đang có xu hướng giảm rõ rệt trong các tuần gần đây, cụ thể tuần 14 ghi nhận 25 trường hợp, tuần 15 ghi nhận 15 trường hợp, tuần 16 ghi nhận 4 trường hợp và đặc biệt trong tuần này, đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc. Tại các ổ dịch không phát sinh thêm ca bệnh mới.
Đây là tín hiệu đáng mừng, song cũng là thách thức trong kiểm soát dịch, bởi số ca mắc giảm nên người dân có thể có biểu hiện chủ quan, lơ là trong việc tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Mặt khác tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc mới và tử vong cao, đặc biệt một số nước trong khu vực dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như Singapore, Malaysia, Philippines.
Một số nước đã kiểm soát được dịch bệnh song vẫn đối mặt với nguy cơ xuất hiện làn sóng thứ 2 và tại Việt Nam cũng chưa loại trừ tình huống dịch có thể diễn biến phức tạp (sau một số ngày không ghi nhận ca mắc mới).
Thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung điều tra, xác minh những trường hợp liên quan tới ca bệnh, ổ dịch để giám sát, theo dõi sức khỏe, áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định, huyện Mê Linh và huyện Thường Tín tiếp tục thực hiện biện pháp khoanh vùng cách ly, xử lý triệt để đối với 2 ổ dịch trên địa bàn.
Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.
Nới lỏng hoạt động kinh tế từ 0 giờ ngày 23/4
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết một số nước Đông Nam châu Á đã trở thành ổ dịch lớn. Tại Hà Nội, từ ca bệnh 266 đến nay thì đã 7 ngày chưa phát hiện ca mới nào.
Các ổ dịch lớn trên địa bàn TP như bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi đã được khẩn trương khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cơ bản các ổ dịch này được kiểm soát triệt để.
Để đánh giá mức độ lây nhiễm trên cộng đồng, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã tiến hành test nhanh ở 7 chợ đầu mối, qua đó, hơn 2.000 mẫu xét nghiệm mẫu đều âm tính. Qua đó, TP chưa phát hiện ca lây nhiễm ở cộng đồng.
Hà Nội được Thủ tướng đánh giá cao và khen ngợi là một trong những địa phương thực hiện tốt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đó là chúng ta phải sống trong trạng thái có dịch, bởi các nước trên thế giới dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Thời gian qua, cả nước đã vào cuộc quyết liệt, công tác phòng chống dịch Covid-19 và bước đầu đẩy lùi được dịch bệnh. Đây là một thắng lợi để chúng ta chuyển sang một giai đoạn chống dịch “dài hơi” hơn, cùng với các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND TP cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là xác định chuyển sang giai đoạn chống dịch trong thời gian dài, “cho đến khi nào có vaccine, thì lúc đó chúng ta mới có thể coi là hết dịch”.
Ngoài ra, Chủ tịch cũng thông tin thêm, hiện nay có 70 nước tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine nhưng chỉ có 9 công ty có khả năng. “Giả sử có vaccine cuối năm nay, với công suất sản xuất vaccine hiện nay thì phải từ 2 đến 3 năm thì mới có vaccine đại trà” – Chủ tịch UBND TP nói.
Ngoài ra, tổ chức phòng chống dịch phải căn cơ hơn, gắn với phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch, không để dịch tàn phá như các quốc gia khác.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh tinh thần của Thủ tướng là “Coi mạng sống của người dân là trên hết và yêu cầu các cấp các ngành thực hiện các biện pháp quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại”.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo
Về những biện pháp cụ thể, những người nhập cảnh có nguy cơ cao thì vẫn phải xét nghiệm và cách ly một cách linh hoạt, tùy vào từng đối tượng. Cần nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch. Đồng thời, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch.
Trong mọi trường hợp, người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Người dân nếu không có việc cần thiết thì không đi ra ngoài.
Những người có dấu hiệu ốm thì phải ở nhà, những người có biểu hiện ho, sốt thì phải liên hệ với y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Tại nhà trường, cơ quan phải đo thân nhiệt.
Đặc biệt, chưa tổ chức các hoạt động tập trung đông người, lễ hội văn hóa, thể thao, TP cũng chưa tiếp nhận khách nước ngoài.
Chủ tịch UBND TP thông tin, tại phiên họp Chính phủ chiều 22/4, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương cả nước sẽ thuộc 2 nhóm nguy cơ và nguy cơ thấp. Trong đó, Hà Nội thuộc nhóm có nguy cơ; các địa phương thuộc Hà Nội như huyện Thường Tín, huyện Mê Linh có ổ dịch hiện chưa qua 14 ngày thì nơi đó vẫn là nơi có nguy cơ cao.
Do vậy, hai huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn xếp vào diện “nguy cơ cao”. Đối với thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh), thôn Đông Cứu (huyện Thường Tín) thì vẫn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa, cách ly triệt để như đã làm thời gian qua.
Ngoài 2 huyện trên, các quận huyện khác được coi là “có nguy cơ”, trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định, kể từ 0 giờ ngày 23/4/2020 sẽ nới dần các hoạt động kinh tế, nhưng cấm một số dịch vụ như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, tập trung đông người...
“Vẫn phải xử phạt những người không đeo khẩu trang, tập trung đông người. Khi tham gia giao thông, những người đi xe máy phải giữ khoảng cách an toàn” - Chủ tịch đề nghị.
Ngoài ra, tất cả các lễ hội, hoạt động thể thao, sinh hoạt tôn giáo, các quán bar, karaoke vẫn chưa được hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các bệnh viện được nhận bệnh nhân để điều trị và phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp những bệnh nhân nặng chỉ cho phép một người nhà vào chăm non.
Các chủ cửa hàng ăn phải sắp xếp các bàn ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, có tấm chắn bằng mika hoặc giấy bóng để tránh lây nhiễm. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn.
Bên cạnh đó, TP bố trí 4 địa điểm khách sạn 4 sao cho các phi công nước ngoài chở hàng từ các nước. Ở các bếp ăn cơ quan phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ xí nghiệp, chủ công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, khuyến khích công nhân ghi nhật ký lịch trình để truy xuất nhanh lịch trình trong trường hợp cần thiết.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP nghiêm cấm hoạt động quán nước chè và quán bán trà chanh vỉa hè, bởi những quán nước này có ghế ngồi thấp, nguy cơ lây nhiễm cao. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Chủ tịch UBND các phường, xã phải coi dịp này để làm nghiêm trật tự đô thị, xử phạt các cơ sở lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Từ mai cho đến 30/4, TP cho phép Tổng công ty vận tải và các đơn vị làm dịch vụ vận chuyển taxi, grap, xe khách... được hoạt động lại với từ 20-30% công suất.
Các lái xe, nhà xe phải yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, khử khuẩn, rửa tay trước và sau khi lên ô tô, giữ khoảng cách đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch.