Chủ tịch TQ Tập Cận Bình "nâng cấp" chức danh khiến Đặng Tiểu Bình không còn là duy nhất

Z.X |

Trung Quốc đã tiến hành một số cải cách thể chế đối với một số cơ quan trực thuộc đảng, chính phủ, dẫn đến sự thay đổi chức danh của ông Tập Cận Bình.

Sau kỳ Lưỡng hội (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân), Trung Nam Hải bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách thể chế cơ quan đảng, chính phủ. Trong đó những tiểu tổ như Tiểu tổ lãnh đạo cải cách sâu rộng toàn diện trung ương, Tiểu tổ lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương... sẽ trở thành các ủy ban.

Điều này đồng nghĩa việc, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành Chủ nhiệm của các ủy ban thay vì Tổ trưởng tiểu tổ như trước đây.

Đều là các ủy ban trực thuộc sự quản lý của ĐCSTQ nhưng danh xưng của người đứng đầu các ủy ban lại khác nhau. Ví dụ, người đứng đầu Quân ủy, Ủy ban an ninh quốc gia được gọi là Chủ tịch; người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, Ủy ban Chính trị pháp luật được gọi là Bí thư; người đứng đầu Ủy ban lãnh đạo cải cách sâu rộng toàn diện, Ủy ban phát triển quân sự dân sự hợp nhất được gọi là Chủ nhiệm.

Đáng chú ý, trong lịch sử ĐCSTQ, chỉ có Đặng Tiểu Bình mới thường được biết đến rộng rãi với danh xưng Chủ nhiệm.

Chủ tịch và Tổng Bí thư đều là danh xưng của lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Trong thời gian từ năm 1982 - 1987, dù không nhậm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Trung Quốc nhưng Đặng Tiểu Bình lại giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban cố vấn trung ương và Chủ tịch quân ủy trung ương. Tuy nhiên, khi đó Đặng thường được gọi là Chủ nhiệm Đặng, chứ không phải Chủ tịch Đặng.

Ngoài ra, giải thích cho việc thay đổi cơ cấu thể chế một số đơn vị trên, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo cho hay, xét ở một chừng mực nào đó, đây là một sự "nâng cấp", tiến tới chế độ hóa, bình thường hóa và ổn định hóa.

Giới phân tích nhận định, đợt cải cách này là bước tập trung quyền quyết sách vốn bị phân tán trước kia của ĐCSTQ, cũng như nhằm bảo đảm các nghị định của chính phủ được truyền đạt thuận lợi xuống các địa phương, tránh hiện tượng "chính lệnh không từ Trung Nam Hải" và cục diện "cửu long trị thủy".

Hiện tượng "chính lệnh không từ Trung Nam Hải" xảy ra dưới nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tại thời điểm đó, một số khu vực, đơn vị đã mang dấu hiệu như "vương quốc độc lập", bộ phận quan chức vì lợi ích riêng đã không được thực hiện nghiêm túc các nghị định của trung ương.

"Cửu long trị thủy" là hình thức lãnh đạo các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị được phân chia quyền lực tương đối đồng đều khiến mỗi người gần như trở thành "quyền lực tuyệt đối" trong hệ thống do mình quản lý.

Ông Tập Cận Bình tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại