15 phút giữa những cuộc họp hành, chỉ đạo thần tốc như thời chiến, ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ với chúng tôi điều lo lắng nhất và tự hào nhất cho đến thời điểm này.
Thanh An: Thưa ông Quảng Ninh đã bước sang ngày thứ 7 kể từ khi thông tin về ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được phát hiện. Đến thời điểm này, địa phương đã làm những gì để chạy đua với thời gian kiểm soát và dập dịch?
Ông Nguyễn Tường Văn: Kỳ thực Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị kịch bản cho mọi cấp độ dịch. Tùy thuộc vào tình hình thực tế mà chúng tôi triển khai kịch bản ứng phó tương ứng.
Ngay khi nhận được thông tin về dịch, đêm hôm ấy (27/1) chúng tôi đã họp xuyên đêm với các đầu cầu trực tuyến để nắm bắt và triển khai công việc. Đến ngày hôm nay tròn 7 ngày chống dịch thì đã có không biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu lần tổ chức thực hiện biện pháp chống dịch khẩn cấp mà lãnh đạo tỉnh và các địa phương triển khai.
Vì đánh giá chủng virus mới này rất nguy hiểm và tốc độ lây lan rất nhanh cho nên chúng tôi cố gắng truy vết thần tốc, làm xét nghiệm ở diện rộng để phát hiện ra mầm bệnh và có phương án dập dịch. Đối với các trường hợp F0 - F1 - F2 - F3 - F4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh thực hiện truy vết tới F3, nhưng Quảng Ninh quyết định truy vết đến tận F4.
Đến nay, toàn tỉnh đã truy vết được gần 55.679 trường hợp từ F1-F4, trong đó F1 có 1.374 trường hợp; lấy mẫu xét nghiệm được 17.172 mẫu. Kết quả 30 ca dương tính, 13.770 ca âm tính, còn lại đang chờ kết quả. Trong những ngày tới, CDC Quảng Ninh sẽ cố gắng nâng năng lực xét nghiệm lên 3.000 mẫu/ngày với tốc độ nhanh nhất, chính xác nhất. Tất cả đang làm việc với một tinh thần chống dịch rất quyết liệt.
Thanh An: Điều gì khiến ông lo lắng nhất vào lúc này?
Ông Nguyễn Tường Văn: Tốc độ lây lan rất nhanh của virus khiến chúng tôi rất lo lắng. Với địa bàn rộng gồm 13 huyện, thị xã... điều tôi lo lắng nhất là chỉ cần một đơn vị thôi lơ là trong bất kỳ khâu nào từ xét nghiệm hay truy vết, khoanh vùng, kiểm soát dịch... thì có thể khiến tốc độ lây lan trở nên khó lường và gây ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương còn lại.
Càng lo thì chúng tôi càng quyết tâm truy vết thần tốc F1, nhanh chóng bao vây, dập dịch, lấy lại địa bàn an toàn. Đồng thời hướng đến trở thành địa phương đi đầu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn thể người dân Quảng Ninh. Tất cả những nội dung này đều được Quảng Ninh tự chủ nguồn lực bằng tiết kiệm chi ngân sách và xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh An: Trong một cuộc họp của BCĐ quốc gia, PTT Vũ Đức Đam đã nhắc về Quảng Ninh như một điển hình của việc tự chủ, tự lực chống dịch. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những nội dung tự chủ của Quảng Ninh trong lần bùng phát dịch này?
Ông Nguyễn Tường Văn: Một người phụ nữ ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn trong thời khắc trước giờ giãn cách xã hội đã nhắn con mình chuyển khoản 10 triệu đồng ủng hộ người dân Hải Dương chống dịch. Câu chuyện này tôi chỉ vừa được nghe kể lại. Phải nói rất thật, tôi tự hào về những hành động chí tình chí nghĩa của người dân Quảng Ninh trong dịch bệnh. Hành động này đã thể hiện rất rõ tinh thần của con người Quảng Ninh. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, người Quảng Ninh luôn có ý thức tự lo cho bản thân và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ địa phương khác đang chung hoàn cảnh khó khăn như mình.
Trên thực tế chưa có bất kỳ chỉ đạo hay đề nghị chính thức nào từ phía cơ quan nhà nước đối với việc giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cho các địa phương khác nhưng tỉnh Quảng Ninh xác định luôn sẵn sàng giúp đỡ. Và nếu có bất kỳ sự đề nghị từ Hải Dương hay chỉ đạo của Chính phủ thì Quảng Ninh luôn sẵn sàng chia lửa.
Bên cạnh đó, việc tự chủ nguồn lực giúp Quảng Ninh chưa cần nhận hỗ trợ của trung ương cho đến thời điểm này cũng chính là điều chúng tôi đang hết sức nỗ lực và tự hào. Dù bối cảnh hiện nay mọi nguồn lực nói chung về trang thiết bị vật tư y tế của tỉnh vẫn đang còn thiếu, nhưng chính sách của Quảng Ninh luôn nhất quán: tỉnh chủ động một phần còn phần chính là 13 huyện, thị xã phải tự chủ, tự xã hội hóa nguồn lực vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng dịch.
Tinh thần tự chủ này có lâu rồi, nó đã thành thục và trở thành nếp sống, làm việc ở Quảng Ninh. Mỗi người cố gắng một chút, mỗi địa phương cố gắng một chút, tỉnh cố gắng một chút thì đương nhiên không phải nhờ lên trung ương.
Thanh An: Tuy nhiên vẫn còn trường hợp người dân chống đối các đơn vị thực thi nhiệm vụ chống dịch. Chúng ta có cần phải lưu ý điều này không thưa ông?
Ông Nguyễn Tường Văn: Với số lượng dân cư rất lớn đặc biệt là ở những địa bàn đông dân, phức tạp như thành phố Hạ Long chẳng hạn, sẽ vấn có người chưa hiểu hết, chưa hiểu rõ nguy hiểm của mầm bệnh, rồi chưa hiểu sự chỉ đạo và giải pháp của tỉnh. Tuy nhiên đây chỉ là thiểu số. Có thể ngay lúc đầu họ lấy làm khó chịu, nhưng rồi chỉ 1 - 2 ngày là người dân sẽ hiểu và chấp hành.
Những hình phạt đưa ra cũng chỉ là để răn đe, giáo dục và chấm dứt ngay những hành động bột phát, vi phạm pháp luật thôi. Không ai muốn làm căng thẳng tình hình hơn vào những lúc dịch đang căng thẳng như thế này.
Thanh An: Đời sống của nhân dân Quảng Ninh đặc biệt là những người trong vùng dịch phải giãn cách xã hội, đang diễn ra như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Tường Văn: Điều UBND tỉnh rất trăn trở đó là lần dịch bùng phát trong cộng đồng này lại rơi vào thời điểm sát Tết, rất sát Tết. Thực tế thì nhu cầu của bà con trong vấn đề đi lại, buôn bán, giao thương hàng hóa, lương thực phẩm để có cái Tết đầm ấm, vui vẻ là một nhu cầu rất chính đáng. Cho nên trong các biện pháp phòng chống dịch chúng tôi cũng rất cân nhắc làm thế nào để không phải vì chống dịch mà mình ngăn sông cấm chợ, gây nên chuyện thiếu thốn hay dư thừa, ế ấn hàng hóa tiêu dùng của bà con.
Song song với cách biện pháp khoanh vùng dập dịch, tỉnh cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp hỗ trợ ổn định sinh kế trong vùng dịch. Quan điểm của Quảng Ninh là phải lập các chốt kiểm soát, phòng dịch nhưng các chốt này chỉ kiểm soát người ở mức độ khác nhau, hàng hóa phải cho lưu thông.
Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương thống kê, gửi ngay báo cáo lên tỉnh về tình trạng hàng hóa, vật tư. Đặc biệt là các thiết bị tiêu dùng, thực phẩm... để các cơ quan chức năng có cơ sở cân đối cung - cầu giữa các địa phương trong tỉnh.
Trường hợp thị xã Đông Triều vừa bị phong tỏa để phòng chống dịch thì địa phương này đã kịp thời báo cáo vấn đề nông dân có nguy cơ thừa rất nhiều khoai tây. Tỉnh đã có ngay phương án xử lý để các địa phương khác trong tỉnh tiêu thụ bớt khoai tây ở Đông Triều. Kết quả, ngay trong chiều ngày 31/1, các địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đã hỗ trợ sử dụng khoảng 2.000 tấn khoai tây cho bà con nông dân Đông Triều.
Các địa phương khác cũng thế, những nơi vùng chuyên canh thủy sản lớn, tập trung của tỉnh như Vân Đồn, Móng Cái... đang gấp rút thống kê báo cáo nguy cơ thừa thủy hải sản. Cụ thể là mặt hàng nào, thừa bao nhiêu, loại nào có thể đóng gói, sơ chế, cấp đông, mặt hàng nào chỉ có thể tiêu thụ tươi sống... Từ đó, chúng tôi giao Sở Công thương chủ động kết hợp với các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên phương án thu mua, hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.
Đặc biệt, Sở Công thương Quảng Ninh cũng đang chủ động tạo ra các kênh thông tin kết nối online cũng như offline để đẩy mạnh việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh, cũng như giữa Quảng Ninh với các địa phương khác trong cả nước. Chúng tôi đang làm hết sức sáng tạo và chủ động để làm sao bà con nhận thấy rằng việc phòng chống dịch đặc biệt là lập các chốt trạm không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của nhân dân. Và cuối cùng là một cái kết yên bình cho tất cả: dịch được kiểm soát trong thời gian ngắn nhất, bà con vẫn có thể có được cái tết an vui trong những ngày sắp tới.
Thanh An: Rất cảm ơn những thông tin mà ông vừa chia sẻ!