Chủ tịch Thế giới di động: Nên đọc sách và ít đi hội thảo để khỏi trở thành những kẻ mộng mơ

Đỗ Lan |

"Nên đọc sách để biết điều gì đang diễn ra nhưng nên giới hạn tới các hội thảo vì có nhiều thứ cao siêu khiến bạn trở thành những kẻ mộng mơ" - Ông Tài nói.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, chuyển đổi số trước tiên doanh nghiệp phải biết mình muốn gì. Nên đọc sách để biết điều gì đang diễn ra, chuyển đổi số có khả năng thay đổi như thế nào nhưng nên giới hạn tới các hội thảo vì có nhiều thứ cao siêu khiến bạn trở thành những kẻ mộng mơ.

Tại phiên tranh luận có chủ đề Ngành dịch vụ - Bảng vàng xướng tên ai? trong sự kiện CEO Forum ngày 19/11, chủ đề chuyển đổi số, hợp tác quốc tế được đặt ra cho ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, và ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Thiên Minh.

Cụ thể, đó là với doanh nghiệp với nguồn lực tài chính thì chuyển đổi số như thế nào để giảm chi phí mà hiệu quả và phần nào có thể làm trước.

Chuyển đổi số: Trước tiên phải biết mình muốn gì

Chủ tịch Thiên Minh cho rằng, trước tiên doanh nghiệp phải biết doanh nghiệp muốn làm gì cho khách hàng. Và thứ hai, doanh nghiệp chuyển đổi số để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Một ví dụ mà ông Trần Trọng Kiên đưa về chuyện doanh nghiệp muốn làm gì cho khách hàng, ông Trần Trọng Kiên đưa ra trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp của ông đã gặp phải: chuyện đón khách từ sân bay tới khách sạn. Trước đó, tỉ lệ đón trượt là 1-3%. Nghĩa là cứ 100 khách đặt đón ở sân bay thì có 1-3 ông bị đón… trượt.

Chủ tịch Thế giới di động: Nên đọc sách và ít đi hội thảo để khỏi trở thành những kẻ mộng mơ - Ảnh 1.

Ông Trần Trọng Kiên.

Lúc đó, Thiên Minh đưa ra một KPI duy nhất, đó là 0% đón trượt khách. Muốn như vậy thì doanh nghiệp cần phải kết nối với chuyến bay; đảm bảo lái xe luôn có mặt ở sân bay và đảm bảo bảng ghi tên đúng người. Lúc đó, công ty đã tạo phần mềm để phân lịch cho lái xe, tự đánh giá giờ bay, ước tính thời gian ra sân bay… và toàn bộ thông tin đó được chuyển qua ipad của tài xế.

Nhờ tạo app nên thời gian sau đó ở Phuket (Thái Lan), không một trường hợp khách nào bị đón trượt do sử dụng công nghệ. Ông Kiên tiết lộ thêm, app đó là công ty tự xây và với giá khoảng 15.000 USD, trong khi nếu mua ở ngoài, con số tăng lên gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, ví dụ của ông Kiên là câu chuyện người thật việc thật.

Với ông Tài, chuyển đổi số đầu tiên phải biết doanh nghiệp mình muốn gì. Chẳng hạn, doanh nghiệp cử nhân viên đi lắp máy lạnh. Trước kia, khó có thể biết được nhân viên đi lắp có chuẩn chỉnh không, lắp xong có dọn vệ sinh nhà cho khách hay không…. Nhưng nay, doanh nghiệp hoàn toàn có thể biết được kết quả bằng cách lập group Zalo, yêu cầu nhân viên chụp hình đủ 4 tấm hình (sàn nhà, máy…) sẽ trả tiền đầy đủ. Ví dụ, nhân viên chụp ảnh sàn nhà, chụp hình xem máy lạnh có bị nghiêng không…. Làm đúng sẽ được trả tiền 100%. Đó chính là chuyển đổi số.

“Mình phải biết mình muốn gì và tốt nhất là nên giới hạn đi tham gia các hội thảo chuyển đổi số”, ông Đức Tài nói.

Theo ông, ở đó có nhiều thứ cao siêu, vĩ đại có thể, bạn sẽ trở thành người mơ mộng. Tốt nhất, cần biết mình muốn gì. Nếu có gặp tư vấn thì nói rõ điều mình cần. Nếu công nghệ chạy trơn tru thì sẽ tiếp tục hợp tác.

Cũng theo ông Tài, doanh nghiệp nên đọc các sách về chuyển đổi số để hiểu chuyện gì đang diễn ra, khả năng công nghệ làm được gì. Tuy nhiên, nên giới hạn đi hội thảo chuyển đổi số để đỡ tốn tiền và làm những thứ thực dụng hơn.

Một vấn đề khác mà phiên tranh luận quan tâm, đó là làm thế nào để hợp tác được với đối tác nước ngoài và khiến họ thích làm việc với mình.

Hợp tác với nước ngoài: Cứ làm cho mình khỏe khoắn lên, sẽ có người tìm tới

Ông Tài cho biết, Thế giới Di động không làm nhiều với đối tác nước ngoài, trước đây có Mekong Capital, nên không có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng bản thân ông Tài nhận thấy “cứ làm cho mình khỏe khoắn lên sẽ có nhiều người tìm đến”. Còn ông Trần Trọng Kiên, với đặc thù là ngành du lịch và khách sạn, ông cho biết luôn luôn nghĩ đến khả năng kết nối toàn cầu, học hỏi các tập đoàn lớn trên thế giới. Đó là lý do vì sao Thiên Minh liên kết với nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới và mối hợp tác kéo dài hàng chục năm nay.

Để kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, ông Kiên chỉ ra những yếu tố dưới đây:

Thứ nhất là doanh nghiệp phải tốt. Doanh nghiệp tốt nghĩa là hoạt động hiệu quả, minh bạch, có chiến lược, quản trị tốt.

Thứ hai, phải biết mình muốn gì trong mối hợp tác đó, chẳng hạn như muốn có thị trường, tài chính… để tìm đối tác cho phù hợp.

Thứ ba là phải bình đẳng, sự bình đẳng giữa công ty Việt Nam và công ty nước ngoài. Không phải công ty Việt Nam mà kém công ty nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại