Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm tại Tòa án
Với gần 95% tổng số đại biểu có mặt tán thành, sáng 30/11, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng .
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi thông qua nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng: Nghị quyết chỉ quy định những nhiệm vụ, quyền hạn có tính đặc thù trong bối cảnh tổ chức chính quyền đô thị tương tự như các Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố khác. Trong đó nghị quyết có tính đến các yếu tố về quy mô, đặc điểm và yêu cầu phát triển của thành phố Hải Phòng.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công, việc thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường thuộc quận; không quy định nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố, quận trong việc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận…
Theo nghị quyết được thông qua, chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng, thành phố Thủy Nguyên, huyện, xã, thị trấn tại thành phố Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương, gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân .
Đối với Hội đồng nhân dân thành phố, nghị quyết cho phép quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình. Trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền địa phương cấp dưới; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết theo thẩm quyền; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Bên cạnh việc giám sát, Hội đồng nhân dân thành phố Hải phòng cũng sẽ bầu Hội thẩm tại Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tại Tòa án nhân dân quận theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân quận sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận;
Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận. Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn.
Quận loại I có không quá 3 phó chủ tịch
Nghị quyết quy định, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố gồm chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và các ủy viên là trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố.
Trong đó, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Đối với ban của Hội đồng nhân dân thành phố, gồm trưởng ban, 2 phó trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, phó trưởng ban là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách…
Trong khi đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ quyết định giao và điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các quận, phường; quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho Ủy ban nhân dân quận; thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc...
Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng , được bổ nhiệm , miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.
Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân quận, gồm chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; trưởng công an quận; chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận… Ủy ban nhân dân quận loại I có không quá 3 phó chủ tịch, quận loại II, loại III có không quá 2 phó chủ tịch.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Về số lượng phó chủ tịch UBND cấp quận, phường, tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Nghị quyết quy định theo hướng số lượng phó chủ tịch UBND tại các quận, phường căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính để bảo đảm tương đồng với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng.