“Giãn cách xã hội không có nghĩa là không làm việc”
Phát biểu khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan của QH và Chính phủ trong việc phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh chương trình làm việc linh hoạt, phù hợp.
Trong đó, các Ủy ban của QH đã họp trực tuyến để thẩm tra, đảm bảo nội dung trình ra Ủy ban TVQH. Nhiều nội dung lớn cũng được chuẩn bị theo phương thức làm việc mới để kịp trình ra QH tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Chủ tịch QH đánh giá cao tinh thần khẩn trương của Chính phủ trong tiếp thu ý kiến tại phiên họp bất thường của UB Thường vụ QH, sớm triển khai gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh phiên họp lùi hơn một tuần. Trước đó Tổng Thư ký QH đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan bằng hình thức làm việc phù hợp để chuẩn bị kịp thời các nội dung nhưng đến hôm nay vẫn còn thiếu một số tài liệu.
"Điều này cần chú ý. Trong thời gian giãn cách xã hội không có nghĩa là không làm việc, để công việc ách tắc, phải thay đổi phương thức làm việc", Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Tư duy cởi mở để thu hút đầu tư
Cũng trong sáng nay, Dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thảo luận, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, quy định phải thể hiện tư duy cởi mở khi có sự đan xen sở hữu để huy động vốn giữa nhà nước và tư nhân, qua đó thu hút nhà đầu tư. Bà cũng đồng tình với việc chia sẻ tăng, giảm doanh thu và rủi ro thì nên 50%-50%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu, dự luật nếu không có chế định chia sẻ rủi ro thì khó tạo sức hút, tạo động lực của luật này. Ý kiến chuyên gia cho thấy, kinh nghiệm quốc tế đều có sự chia sẻ trong PPP.
Tăng thu chia sẻ 50%-50% thì hụt thu, thất thu do lỗi khách quan và chủ quan của Nhà nước (như điều chỉnh quy hoạch, chính sách làm ảnh hưởng) thì cũng cần theo tinh thần chia sẻ như nhau.
Ở góc độ khác, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nhìn chung, các quy trình còn chặt hơn cả đầu tư công, tuy nhiên, trách nhiệm Nhà nước trong thanh toán thế nào không nói đến.
"Họ thi công xong rồi lại chạy xin, chờ thanh toán. Nhà nước phải cam kết thì người ta mới yên tâm, nếu không họ sợ chả dám làm. Xin thanh toán được mệt lắm" – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, dự thảo luật thiết kế hai phương án. Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để hạn chế việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, dự thảo Luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP. Tuy nhiên, cần có trần điều chỉnh là bao nhiêu để đảm bảo chặt chẽ.
Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ dự án, tránh tình trạng lách luật (cố tình lập dự án với tổng mức đầu tư thấp, sau khi được phê duyệt lại điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư), tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lập, trình dự án PPP và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công.
"Quy định không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện"
Liên quan đến áp dụng luật và điều ước quốc tế, dự án luật thiết kế 2 phương án. Theo đó phương án 1 quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.
Lý do được đưa ra là nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP.
Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.
Tuy nhiên phương án 2 không quy định với quan điểm cho rằng không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật PPP so với các luật khác tại các nội dung cụ thể của Luật PPP thì cần chỉ rõ tại điều khoản quy định về nội dung đó.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị áp dụng phương án 1, bởi nếu không có cam kết ngay của Nhà nước thì nhà đầu tư không yên tâm và khó thu hút.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, dự án luật này liên quan đến nhà đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và kinh nghiệm cho thấy có trường hợp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, do đó nếu không quy định thì có thể xảy ra tranh chấp, khi đó khó giải quyết.
Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý việc đảm bảo thống nhất của hệ thống luật là nguyên tắc hàng đầu. Song cần có quy định đặc thù để triển khai PPP một cách hợp ý, thu hút được đầu tư với điều kiện phải chỉ rõ cái nào là đặc thù và khi đó áp dụng luật nào, dẫn chiếu cụ thể.
"Nếu quy định không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện, chúng ta có những bài học rồi, phải ghi cụ thể nếu có áp dụng thì khoản nào, điều nào. Do đó phải rà soát thật kỹ, mất thời gian cũng phải rà", ông Hiển nhấn mạnh.