Ngày 27/9, kết luận phiên "Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội" do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các bài tham luận, ý kiến chất lượng của các chuyên gia, với rất nhiều giải pháp và sáng kiến được đưa ra.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, điều này giúp các cơ quan chức năng của Quốc hội có nhiều thông tin, dữ liệu để thẩm tra các chính sách của Chính phủ sắp tới về tình hình KT-XH của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, 4 đợt dịch diễn ra trong 2 năm qua tác động rất lớn, đặc biệt chủng Delta với biến thể mới nhanh và mạnh hơn, đã tác động tiêu cực tới TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế tạo ra hơn 40% GDP cả nước.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam đang từ ngôi sao tăng trưởng của toàn cầu rơi xuống vị trí dưới mức trung bình. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình và thông tin, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), WB dự báo GDP năm nay của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ tăng từ 3,5 - 3,8%, chỉ bằng gần một nửa so với mức tăng bình quân trên toàn thế giới.
Liên quan đến việc các chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ, kích thích kinh tế còn quá ít, Chủ tịch Quốc hội thừa nhận, dù Quốc hội đã phê duyệt và Chính phủ triển khai rất nhiều gói hỗ trợ, nhưng quy mô còn nhỏ, đứng sau nhiều nước.
Giãn, hoãn, giảm thuế nhưng doanh nghiệp lỗ rồi lấy gì mà giảm?
Liên quan đến xu hướng sắp tới, theo Chủ tịch Quốc hội khẳng định, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhưng vô cùng bất định và có sự phân hóa. Nhóm nước phục hồi mạnh là nhóm phát triển cao, chủ động vaccine và sớm miễn dịch cộng đồng. Họ tung ra quy mô gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ lớn. Ở chiều ngược lại, nhóm các nước phục hồi chậm đối mặt rủi ro bùng phát dịch bệnh và số ca tử vong tăng lên là thị trường mới nổi, đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về giải pháp, các chuyên gia đều cho rằng mục tiêu tập trung cho phòng chống dịch và bảo đảm sức khỏe người dân được đặt lên trên hết. Muốn vậy, phải đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng, xem như điều kiện tiên quyết, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về KT-XH. Cùng với đó, cần tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển phải thông minh hơn bằng giải pháp công nghệ, chủ động, nhất quán, phân cấp ủy quyền, liên kết vùng… tức phải thay đổi về sách lược, khôn ngoan hơn.
Đặc biệt, chính sách tài khóa và tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Quốc hội cũng vừa gợi ý Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách có mục tiêu, có địa chỉ, với dư nợ 100.000 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ 3 -4%/năm. Quan trọng hơn là phải giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang chịu thua lỗ.
Chủ tích Quốc hội kết luận: "Chúng ta đã giãn, hoãn, giảm thuế nhưng họ lỗ rồi lấy gì mà giảm? Nên chính sách cần cho phép chuyển lỗ, nghiên cứu cho chuyển dài hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền. Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gợi ý tính toán cho doanh nghiệp tính chi phí thực tế cao hơn giá thành, hỗ trợ doanh nghiệp có thực lực tạm thời đang khó khăn".