Ở tuổi 62, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ trông trẻ hơn tuổi thực. Với những người quen biết của bà Dung, thì việc bà vẫn giữ được thái độ sống tích cực – lạc quan để có hình dáng trẻ hơn tuổi vốn có là một ‘kỳ tích’.
Bởi, trong vài chục năm cuộc đời, bà Dung đã gặp rất nhiều biến cố lớn lao, mà với nhiều người khác có thể không gượng dậy nổi.
"Nhiều người nói rằng, tôi là ‘iron women’ – ‘người đàn bà thép’, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ là người dám nhìn thẳng vào sự thật mà thôi", bà Cao Thị Ngọc Dung đã nói như thế trong Workshop “Doanh nhân tự tại: Tìm trong chính mình” do Hội doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA) vừa tổ chức.
Những năm 2000, bà được chẩn đoán là bị ung thư. Bà nhớ lại: lúc đó tôi nghĩ, bây giờ ngồi đây khóc than cũng chẳng giải quyết được việc gì và nó cũng chẳng giúp tôi hết bệnh. Rằng, nếu không chữa được bệnh ung thư này, mình sẽ chết, vậy nên những ngày còn lại mình sẽ sống như thế nào, làm gì.
"Trước khi biết mình bị bệnh, tôi là một người rất nóng tính, thích hơn thua, làm việc như điên. Tôi nghĩ, chính tính cách này là một phần nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh.
Khi đối diện với cái chết, tôi nghĩ mình phải mạnh mẽ hơn, phải chiến đấu chống lại nó. Hơn nữa, trước cái chết, tôi thấy sự hơn thua, nóng nảy cũng chẳng có ích gì nữa. Thế là, tôi buộc phải thay đổi tính cách của mình.
Sau cú sốc đó, tôi đã tìm được ‘cái tâm’ của mình. Khi rơi vào một hoàn cảnh nào đó, tự dưng mình làm được những thứ mà bình thường mình không thể", bà Dung kể.
Cũng trong thời điểm đó, một người bạn của bà là bà Minh Hiền – Phó Tổng biên tập báo Phụ Nữ, đồng thời cũng bị chẩn đoán ung thư như bà. Sau đó, bà Minh Hiền chuyển sang làm báo Sài Gòn Doanh Nhân.
Cả hai chị em đã tự vực nhau dậy, bà Dung đã hỗ trợ bà Hiền rất nhiều trong việc gầy dựng một tờ báo mới. Lúc đó, có người bạn đã nói với cả hai rằng: "Trời kêu hai đứa không được dạ nghe!".
Và bà Hiền đã mất sau khi tái phát ung thư lần 3, còn bà Dung vẫn chiến đấu ngoan cường tới tận bây giờ. "Sau biến cố đó, quả thật giá trị nhân sinh quan của tôi đã thay đổi. Tôi luôn nhủ lòng phải làm sao sống xứng đáng với những ngày mình còn tồn tại trên cõi đời, không được gục ngã dù gặp bất cứ thử thách gì", bà Dung cho biết.
Một biến cố lớn nữa đến với bà, là cách đây 3 năm, chồng bà – ông Trần Phương Bình bị truy tố vì những sai phạm trong lúc điều hành DongABank.
Lúc đó, mọi người đều xì xào bàn tán là ông Bình như vậy, chắc cả gia đình ông ấy cũng như vậy, PNJ chắc cũng sắp phá sản. Theo bà, chồng bà tốt hay xấu như thế nào chỉ có bà và gia đình, họ hàng hay người quen biết, còn người ngoài làm sao biết được. Nên ai nghĩ gì mặc kệ, với bà, gia đình mới là quan trọng nhất.
Hơn nữa, theo bà, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, người ta nghĩ tiêu cực về mình khi chồng mình gặp sai phạm cũng bình thường, "nếu người ta không nghĩ mới lạ!".
Với nhận định đó, bà bỏ ngoài tai tất cả những dư luận xã hội và chỉ tập trung vào công việc của mình. Theo đó, thay vì phá sản, PNJ đã phát triển rất tốt, doanh thu tăng gấp đôi trong 3 năm qua.
"Anh Bình gặp rủi ro hay tham nhũng, sự thật sẽ phơi bày tất cả. Nếu tôi cứ ngồi đó sợ hãi sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cả mà còn tích tụ năng lượng xấu.
Thế nên, thay vì trốn tránh, tôi cần nhìn thẳng vào sự thật. Tâm an thì chúng ta chẳng sợ gì cả! Tôi chẳng là ‘iron man’ gì cả, tôi chỉ là luôn chấp nhận những gì trong đời đến với mình, chấp nhận nó như là nó vốn có.
Đứa bé té không đau là vì nó không sợ té. Người lớn thì luôn sợ đau khi bị té. Đừng cố gắng cưỡng lại khi bị té, chúng ta cứ sảng khoái té sau đó học cách đứng dậy", bà Dung nhấn mạnh lần nữa.
Từ những trải nghiệm của bản thân, bà Cao Thị Ngọc Dung đã tổng kết lại rất nhiều kinh nghiệm quý báu để truyền lại cho các thế hệ doanh nhân trẻ.
"Cuộc sống hiện tại luôn rất nhiều ngổn ngang. Hàng ngày, chúng ta phải giải quyết rất nhiều chuyện của công ty – gia đình – xã hội. Nếu chúng ta cứ rối rắm suốt ngày, sẽ không làm được bất cứ việc gì. Chúng ta cần phải bình tĩnh chọn cái gì nên làm và không nên làm. Chúng ta cần phải có tâm sắp xếp", vị ‘nữ tướng vàng bạc’ này đề nghị.
Tại PNJ, bà luôn chú tâm rèn luyện cho các lãnh đạo tầm trung lẫn cao cấp của công ty cách đối diện với khó khăn như thế nào: đầu tiên, khi gặp bất cứ khó khăn nào, cần để tâm mình lắng lại, ngồi xuống và nhìn thẳng vào khó khăn. Khiến đội ngũ của mình luôn an tâm công tác là một việc khó, nhưng bà đã phần nào làm được.
Hay với Hội Nữ doanh nhân TP. HCM – HAWEE, nơi bà Dung làm Chủ tịch, thì lãnh đạo phải dựa vào sự chính trực – tự do – lôi cuốn.
Lãnh đạo phải luôn nhìn thẳng vào cuộc sống và các vấn đề chung quanh. Người Việt mình hay phải mang ‘mặt nạ’ để sống bởi lo sợ những định kiến chung quanh, nên luôn muốn mình tròn trịa, làm gì cũng sợ sai. Chúng ta nên sống theo kiểu ‘tôi là tôi, sống tự do, không ràng buộc, không bị chèo kéo thì tâm mới an’.