Gần hai tháng từ lần được gặp Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, nhớ lại, ông Giảng vẫn xúc động: Hôm ấy tôi bị kẹt xe, đến trễ gần 1 tiếng nhưng ông chủ tịch thành phố vẫn ngồi chờ dân.
Được gặp ông Phong chưa đến một giờ mà vấn đề hàng chục năm đã được giải quyết, gia đình tôi rất mừng. Tôi mong các cấp chính quyền huyện Bình Chánh hiểu hơn về nỗi khổ của người dân và gia đình tôi.
Theo hồ sơ, năm 1990, ông Giảng nhận chuyển nhượng 250 m2 đất tại nơi đang cư ngụ.
Cùng thời điểm, ông Văn Hữu Tới sử dụng 144 m2 trong diện tích 5.000 m2 do ông nội của ông Tới thuê sử dụng trước năm 1975. Bên cạnh phần đất đó là 150 m2 đất trống chưa ai sử dụng.
Từ năm 2005 đến năm 2011, qua nhiều lần khiếu kiện, UBND TPHCM đã ban hành hai quyết định công nhận phần đất trống làm lối đi chung giữa các hộ nhưng quyết định sau cùng lại không nói rõ phần đất này thuộc một phần trong diện tích đất ông
Tới đang sử dụng nên đã tạo thuận lợi cho ông này xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần đất đáng lý được dành làm lối đi chung.
Ông Văn Hữu Tới xây nhà, thu hẹp lối đi chung còn một mét chiều ngang, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của gia đình ông Giảng và các hộ bên trong.
Ông Giảng nhiều lần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất trên phần đất hợp pháp của mình nhưng UBND huyện Bình Chánh không giải quyết với lý do “đất đang tranh chấp”.
Bức xúc, ông Giảng khởi kiện. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã công nhận nội dung khởi kiện của ông Giảng, hủy quyết định của UBND TPHCM trước đó.
Tuy nhiên, bản án có hiệu lực gần 3 năm nay nhưng UBND huyện Bình Chánh vẫn không thi hành.
Chỉ mất 20 phút nghe ông Giảng và các sở ban ngành trình bày, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các cơ quan chức năng thi hành bản án, cấp giấy chứng nhận nhà đất cho gia đình ông Giảng.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, trong vòng 30 ngày, chính quyền địa phương đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Kích động khiếu kiện để vụ lợi
Ngày 1/11, tại hội nghị tổng kết 3 năm thức hiện Luật Tiếp công dân, Phó chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng yêu cầu cán bộ tiếp công dân cần lắng nghe, trao đổi, hướng dẫn và giải quyết cụ thể, dứt điểm từng vụ việc, không để dây dưa, kéo dài thành vụ việc phức tạp.
“Tiếp công dân định kỳ, đột xuất không nên nặng tính chính trị, hình thức, rồi để đó không giải quyết cho dân, làm cho dân bức xúc”, ông Huỳnh Cách Mạng lưu ý.
Tại hội nghị, lãnh đạo Công an TPHCM cho biết tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thời gian qua tuy giảm về số vụ, nhưng lại tăng ở mức độ, tính chất phức tạp.
Nhiều đối tượng kích động dân đi khiếu kiện đất đai để vụ lợi.
Đáng lưu ý, cơ quan chức năng xác định có yếu tố các tổ chức phản động trong và ngoài nước lôi kéo, tổ chức đi khiếu nại đông người để quay phim, chụp hình tung lên mạng xã hội, gây áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước và phục vụ mưu đồ phá hoại.
Công an TPHCM đã phối hợp với công an các tỉnh xử lý hình sự ba trường hợp tham gia tổ chức chính trị phản động, 22 trường hợp có hành vi gây rối, tấn công lực lượng chức năng đồng thời xử lý hành chính 163 trường hợp gây rối an ninh trật tự.
Lãnh đạo Công an TPHCM cảnh báo trong thời gian tới người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án quy hoạch ở TPHCM, người dân khiếu kiện ở các địa phương khác kéo về TPHCM sẽ tiếp tục tăng áp lực khiếu kiện. Ngoài ra, các “cơn sốt” bất động sản sẽ khiến người khiếu kiện gay gắt hơn. Nhiều đối tượng xấu, bất mãn, cơ hội sẽ móc nối, kích động biến mâu thuẫn dân sự thành mâu thuẫn đối kháng với chính quyền, từ đó, hoạt động khiếu kiện của người dân sẽ phức tạp, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, thực tế có tình trạng “đánh trống ghi tên” qua chuyện nhân danh trong đơn thư là tập thể cán bộ, công chức, tập thể bà con khu phố, đại bộ phận người dân… nhưng thực chất chỉ là số ít.
Phân loại đơn thư còn giúp nhận diện được đâu là vụ việc nhiều người, cùng khiếu nại, kiến nghị, đâu là mạo danh, đâu là bức xúc chính đáng của công dân để có biện pháp xử lý ngay từ khâu tiếp nhận đơn thư.
Khi đã nhận diện đúng tính chất vụ việc thì có cách giải quyết ngay từ ở cấp cơ sở dù thẩm quyền giải quyết thuộc ở cấp trên.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, TPHCM đã tổ chức trên 135.00 lượt tiếp công dân. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là hơn 100.000 đơn.
Kết quả xử lý đơn đạt 100% ở cả cấp thành phố, sở ban ngành, quận huyện và phường xã.
Cơ quan chức năng đã lập 99 biên bản ghi nhận hành vi quá khích, kích động, gây rối...đối với 16 cá nhân vi phạm nhiều lần và một tập thể 29 công dân vi phạm 1 lần.