Lô hàng cứu trợ về TP. HCM gần một tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?

Hoàng Đan |

Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội, từ đầu cầu TP.HCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết, đợt dịch Covid-19 vừa qua có những lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được.

Bà Tô Bích Châu.

Bà Tô Bích Châu.

Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tập trung ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại đầu cầu TP.HCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP.HCM) cho biết, đợt dịch vừa qua TP.HCM có hơn 400.000 người nhiễm và gần 17.000 người tử vong.

"Nếu không có sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương, còn nặng nề đến mức nào", bà Châu nói.

Thay mặt nhân dân TP.HCM, bà Châu gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, chí tình, chí nghĩa vừa qua để giúp thành phố vượt qua cơn đại dịch.

Tuy nhiên, trong báo cáo phòng chống dịch, báo cáo của Chính phủ năm 2021, phần giải pháp để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, bà Châu chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức, vai trò của mỗi Bộ, ngành, đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình, chứ không phải “khó thì về địa phương; dễ, đúng quy định thì Trung ương làm”.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “chống dịch như chống giặc”, đại biểu Châu nói, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó, trong khi địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp “nước sôi, lửa bỏng” như phòng chống dịch.

Bà đơn cử 1 ví dụ cụ thể, có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid -19 tại TP.HCM.

Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn Thực phẩm, Cục Thú y. Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý; còn Cục An toàn Thực phẩm nói “đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ”. Nhưng TP gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về Cục An toàn Thực phẩm trả lời.

“Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?”, bà Châu nêu.

Nữ đại biểu nhận xét: “Cách làm của Cục An toàn Thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc và nếu như không có gì thay đổi đánh giá hàng năm thì cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vậy thì làm tròn chức trách nhiệm vụ.

Còn ở tại TP.HCM lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?”.

Nữ ĐBQH mong Chính phủ kiến tạo phải tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của Bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết, “không cần phải nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy”, có lợi tốt nhất cho người dân.

“Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như thế này”, bà Châu nhấn mạnh.

Trước đó, đại biểu Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đánh giá, dịch bệnh đến nay đã cơ bản được kiểm soát, chiến dịch tiêm chủng đã đạt những thành công bước đầu. Vị đại biểu nêu một số giải pháp căn cơ trong giai đoạn bình thường mới.

Ông kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách cả ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Trong khi nguy cơ chậm phục hồi nền kinh tế và suy giảm tăng trưởng vẫn còn hiện hữu nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ông cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có những biện pháp lấp lỗ hổng về kiến thức cho học sinh giữa các vùng học sinh học trực tiếp và trực tuyến, giảm tải một số chương trình không cần thiết.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết cũng nêu vấn đề sau đợt dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam khiến hàng chục nghìn người tử vong, nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, tác động tiêu cực tới tâm, sinh lý của các em.

Do đó, ông kiến nghị Chính phủ cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ các em.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại