Ông cảm thấy thế nào khi được ghi nhận vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes?
Lúc mới được thông báo là vào danh sách tỷ phú thế giới của Fobes, bạn (phóng viên) hỏi về cảm giác, tôi thấy rất bình thường.
Nhưng cả ngày qua (7/3), rất nhiều bạn bè, anh em, đồng nghiệp, đối tác gọi điện nhắn tin chúc mừng, thậm chí khi tới quán cà phê cũng có người bắt tay chúc mừng thì tôi hiểu sức ảnh hưởng của sự kiện này rất lớn. Bản thân tôi đã dự trù, nhưng cũng không ngờ thông tin này lại có sức lan tỏa lớn đến vậy.
Bây giờ có lẽ tôi phải thay đổi câu trả lời với bạn rồi. Tôi vui, rất vui. Một phần vì được thế giới công nhận, phần khác, quan trọng hơn là ảnh hưởng của thông tin này đến doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất lớn.
Câu chuyện này cũng giống như việc cách đây 10 năm, khi tôi mua máy bay. Khi đó, trong 1 lần đi công tác, một khách hàng ngồi cùng hàng ghế với thư ký riêng của tôi nói là: việc ông Long mua máy bay bằng việc Hòa Phát quảng cáo trong 5 năm. Quay lại câu chuyện ngày hôm nay, chắc hôm tới ra đại hội cổ đông, các "ông chủ" của Hòa Phát sẽ thưởng cho tôi vì đã quảng cáo cho tập đoàn qua vụ này (cười).
Vậy còn gia đình, người thân nói gì với ông về thông tin này?
Không, gia đình chẳng nhắc gì tới chuyện đó cả. Cảm xúc của tôi ban đầu cũng bình thường.
Theo ông, giá trị tài sản 1,3 tỷ USD mà Forbes ghi nhận đã đúng chưa?
Ý bạn nói là đã đủ chưa à? Thực ra thì hằng ngày tôi làm chẳng nghĩ gì đến tiền đâu, và cũng chẳng biết bản thân có bao nhiêu tiền nữa.
Không phải riêng tôi như vậy. Tôi đoán chắc rất nhiều người cũng như mình. Chúng tôi làm không phải là để cuối ngày nhìn lại những con số trên bảng chứng khoán hay trong két sắt, đúng không? Nói như vậy không phải vì khiêm tốn gì đâu, mà đó là sự thật. Cứ đến lúc giống như chúng tôi, các bạn sẽ hiểu.
Lần này, Forbes bổ sung thêm tôi và anh Dương Trường Hải (ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải), là hai doanh nhân của ngành sản xuất công nghiệp. Ở một góc độ nào đó, điều này phản ánh đúng nền kinh tế Việt Nam, vì chúng ta đang là nền kinh tế đang phát triển, các doanh nghiệp công nghiệp là mũi nhọn tăng trưởng.
Vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes thì cũng bị truyền thông và nhà đầu tư để ý rất kỹ. Ông có suy nghĩ về phiền phức sắp đến không?
(Cười lớn) Sau này thì chưa biết, nhưng hiện tại, mọi sinh hoạt vẫn rất bình thường, tôi không thấy vấn đề gì. Nếu có gì khác, thì đó là sự kiện này khiến mình vui, có ý nghĩa truyền thông tốt cho tập đoàn.
Ông thấy mình có điểm chung gì về thú vui với những tỷ phú khác trên thế giới?
Tôi làm những cái mà tôi thích chứ không phải việc mình là tỷ phú hay là gì kia thì phải giống người ta. Tóm lại là cứ làm điều mình thích thôi!
Ngay sau đêm công bố danh sách tỷ phú Forbes, cổ phiếu Hòa Phát giảm kịch sàn. Ông nghĩ gì về biến động này?
Không sao cả, vì hôm trước có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép. Theo tôi biết, các sàn chứng khoán lớn nhất thế giới như Nasdaq còn đỏ rực luôn.
Trên sàn chứng khoán, yếu tố tâm lý ảnh hưởng cực mạnh, như lần này tác động tới hầu hết doanh nghiệp của ngành thép, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp ở châu Á Thái Bình Dương – nơi có tỷ trọng xuất hàng sang Mỹ rất lớn.
Lúc ấy ban lãnh đạo Hoà Phát đang ngồi nói chuyện ở đây, mọi người đều thấy bình thường, vẫn cười vui vẻ, thoải mái. Tâm lý của nhà đầu tư là yếu tố ảnh hưởng cực kỳ nặng nề lên giá chứng khoán ở Việt Nam.
Hiệu ứng tâm lý kiểu đó vẫn thường xảy ra, chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều lần rồi nên thấy rất bình thường, không vấn đề gì cả. Tôi còn thấy trên mạng viết là một câu nói của Tổng thống Trump làm tài sản của tôi bốc hơi mấy nghìn tỷ cơ mà (cười lớn).
Trong số 3 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forebs và có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán (ông Long, ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo), P/E của Hòa Phát hiện thấp nhất. Ông suy nghĩ về điều này?
Câu hỏi này tôi đã bị nhiều cổ đông, nhiều tổ chức hỏi rồi, thậm chí là tra vấn. Thép là ngành sản xuất công nghiệp nặng, cũng là ngành rất truyền thống. Theo quy luật bất thành văn trên thị trường chứng khoán, những công ty không thuộc lĩnh vực công nghệ thì P/E sẽ thấp thôi.
Thị trường chứng khoán, theo tôi, phản ánh chính xác nhất thực tế này. Nếu thời gian ngắn, 3-6 tháng, hay một vài ba năm, sự thay đổi có thể không thực chất; nhưng khi đã ở trên sàn chứng khoán hàng chục năm, diễn biến đó sẽ phản ánh đúng, chính xác 100%.
Vậy nên tôi không có gì phiền lòng cả.
Trước đây ông có nhận xét là ngành thép sẽ chịu tác động từ chủ nghĩa bảo hộ của mỗi quốc gia. Ngày 8/3 (rạng sáng 9/3 theo giờ Việt Nam), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết. Điều này có khiến thuận lợi của Hoà Phát cũng như ngành thép Việt Nam giảm đi?
Thép là một trong những ngành sản xuất cơ bản của các nước. Về mặt nguyên tắc, bất cứ nước nào cũng có những động thái phải bảo vệ ngành sản xuất cơ bản của quốc gia, tùy theo từng mức độ. Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sức bảo vệ ấy là nội lực của nền kinh tế.
Việt Nam với quy mô GDP khoảng hơn 200 tỷ USD, vai trò còn rất nhỏ trong nền kinh tế thế giới, lại thuộc nhóm mở nhất thế giới với quy mô xuất nhập khẩu hơn 400 tỷ USD. Vậy nên, câu hỏi này có lẽ phải để dành cho các nhà làm chính sách thì sẽ phù hợp hơn.
Kế hoạch lợi nhuận năm 2017 của Hòa Phát khá thấp, nhưng cuối năm chạm con số kỷ lục, vượt xa tính toán ban đầu. Đầu năm 2018, tập đoàn lại đưa ra kế hoạch chỉ ngang với mức thực hiện năm 2017. Phải chăng Hòa Phát đặt kế hoạch thấp để ghi nhận mức vượt vào cuối năm?
Kế hoạch thận trọng thể hiện đúng tuổi tác của lãnh đạo tập đoàn rồi (cười). Chúng tôi cũng toàn 57-58 tuổi, có lẽ cũng bảo thủ - điều chẳng thể tránh được. Tuy nhiên, xét sâu về bản chất của kế hoạch 2018 và so với thực hiện năm 2017 thì chúng tôi có thay đổi lớn đấy.
Năm 2017, Hoà Phát ghi nhận lợi nhuận 8.000 tỷ đồng, nhưng từ ngành sản xuất kinh doanh chỉ là 7.300 tỷ đồng, 700 tỷ còn lại do phòng hộ (hedging) hàng hóa thị trường quặng đem lại.
Năm nay (2018), thị trường quặng không còn thuận lợi cho việc phóng hộ nữa nên sẽ khó có khoản thu này.
Thêm vào đó, Hòa Phát đang ở thời kỳ xây dựng, căng mình ra tập trung vốn liếng vào Dung Quất (tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD) nên chi phí bỏ ra rất lớn mà chưa có doanh thu. Còn nếu chỉ kinh doanh với các nhà máy hiện tại và đầu tư dự án ở mức vừa phải thì kế hoạch lợi nhuận có thể cao hơn.
Vậy nên, phân tích đến cùng, kế hoạch lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng năm 2018 là thay đổi rất lớn, Hoà Phát phải tăng trưởng rất mạnh, rất cố gắng mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Ông hình dung như thế nào về Hòa Phát trong 10 năm tới?
Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung cao độ vào thép, hoàn thành khu liên hợp Dung Quất. Ngoài ra, bộ phận nghiên cứu phát triển sẽ triển khai sản phẩm thép không gỉ (inox) – vốn là lĩnh vực Việt Nam đang nhập khẩu 100%.
Trên một chặng đường kinh doanh, tôi luôn thấy chiến lược của các tập đoàn thì đều phải tiến tới đa dạng, đa ngành, giống như các tập đoàn trên thế giới. Quan điểm của tôi là từng thời điểm, phải luôn tập trung toàn bộ sức mạnh của mình vào một ngành. Riêng Hòa Phát, đến năm 2019, chúng tôi chỉ tập trung vào ngành thép.
Trước đây, ông từng trả lời báo Trí thức trẻ rằng mình vẫn giữ thói quen cà phê, trà đá vỉa hè với bạn bè trong nhiều năm. Bây giờ thì sao?
Bây giờ cũng vẫn thế mà. Bạn cà phê của tôi, tôi rất tự hào là 20 năm rồi vẫn tồn tại, bước sang năm thứ 20 rồi đấy. Mà cũng không phải ngồi trong tủ kính tủ kiếc gì đâu nhé, mà ngày nào cũng ngồi trà đá vỉa hè ấy.
Không còn là ông chủ một CLB bóng đá nữa, vậy ông còn đam mê bóng đá không?
Có chứ, tôi vẫn rất mê. Các trận đấu của giải ngoại hạng Anh tuần nào tôi cũng thức xem hết.
Vậy còn với đội tuyển U23, ông thích cầu thủ nào?
U23 tôi theo dõi sát lắm. Nói đến thích cầu thủ, ví dụ như ở hàng trên là Quang Hải. Nhưng năm nay người tạo ấn tượng U23 chính là thủ môn Tiến Dũng. Tôi từng làm bóng đá tôi biết, cậu ấy phải là hơn một nửa đội bóng đấy.
Ông có ý định quay trở lại sở hữu một đội bóng không?
Bây giờ, tôi đang bị áp lực từ nhiều người, họ bảo tôi quay lại. Chuyện trong tương lai, không ai biết trước được. Nhưng nếu nói ngắn hạn, tôi khẳng định là chưa!
Một ngày bình thường của ông diễn ra như thế nào?
Một ngày bình thường của tôi rất bình thường. Tôi là người theo chủ nghĩa không có cái gì quá cả.
Từ sáng đến giờ tôi có duy nhất một cuộc điện thoại gọi đến, nhưng là người ta gọi nhầm máy. Tôi cũng chỉ có một chiếc điện thoại, không kiểu "hai tay hai máy" đâu. Nhiều người là hai tay hai điện thoại, rồi không kịp ăn sáng.
Tôi thì ăn sáng, uống cà phê rồi mới đi làm. Chiều làm xong đi tập thể thao. Tối, trừ trrường hợp rất đặc biệt, còn lại tôi không đi tiếp khách, không nhậu, ăn đủ 365 bữa một năm ở nhà.
Cuối tuần thì hay đánh golf. Còn một sở thích nữa là xem phim tâm lý xã hội, mấy phim hay của nước ngoài ấy.
8 điều đặc biệt về Trần Đình Long: Vị tỷ phú ngành thép không thích bị gọi là đại gia