Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân vào năm 1986. Năm 30 tuổi, ông bắt đầu nghiệp kinh doanh khi khởi nghiệp cùng nhóm bạn đại học vào năm 1992, thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về, trước khi chuyển hướng xuất nhập khẩu bài bản.

Từ năm 1992 đến năm 1996, ông Long giữ vai trò Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thiết bị phụ tùng Hòa Phát. Năm 1996, công ty chuyển hướng kinh doanh thép, ông Long trở thành Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát. Từ năm 2005 đến nay, ông Long gắn bó với chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Sở hữu 25,15% cổ phần của Hòa Phát, tổng tài sản của ông Long theo Forbes ghi nhận đạt 1,3 tỷ USD, trở thành một trong 4 tỷ phú thế giới có quốc tịch Việt Nam, bên cạnh những cái tên đình đám là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương.

Được vinh danh trong danh sách tỷ phú Forbes năm 2018, ông Long cũng là một trong số ít các doanh nhân ngành thép trên thế giới có được mức tài sản trên 1 tỷ USD. Tính đến năm 2018, trong danh sách của Forbes chỉ ghi nhận 20 tỷ phú thế giới trong ngành thép, một con số rất khiêm tốn so với hơn 2.208 tỷ phú được vinh danh.

Năm 2018, ông Long cùng với ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) là 2 tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam xuất thân từ lĩnh vực sản xuất. Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo có nguồn gốc tài sản chủ yếu từ lĩnh vưc bất động sản và dịch vụ.

Tháng 10/2016, Hòa Phát lần đầu tiên vượt Vnsteel (Tổng công ty Thép Việt Nam) để trở thành doanh nghiệp giữ sản lượng và thị phần thép số 1 Việt Nam. Đến năm 2017, công ty của ông Long đạt bước tiến mạnh mẽ khi thiết lập hàng loạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, Hoà Phát chạm mốc lợi nhuận 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước đó. Doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 46.800 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016. Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất cả nước với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường hơn 90.200 tỷ đồng. Thị phần của hai dòng sản phẩm chủ lực là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 24% và 26,4%.

Việc Hoà Phát chính thức khởi động đầu tư thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất – tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD củng cố thêm vị thế “vua thép” Việt Nam của ông Long. Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc tiếp quản lại dự án này sau khi hàng loạt nhà đầu tư ngoại rút lui, ông Trần Đình Long chia sẻ, đã 25 năm kể từ ngày bị "ông trùm" gang thép thời bấy giờ nói "biết gì mà làm", đến nay trở thành tập đoàn thép số 1 Việt Nam, bản thân ông đã trải qua quá nhiều chuyện nên miễn nhiễm với từ “sợ”.

Theo kế hoạch của Hoà Phát, khu liên hợp gang thép thứ 2 này dự kiến triển khai xong vào năm 2019, góp phần hoàn thành mục tiêu tham vọng doanh thu 100.000 tỷ đồng của tập đoàn vào năm 2020, thiết lập thị phần 30%, vào top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.

Tỷ phú Trần Đình Long hay gọi Hoà Phát là “cỗ xe lu” – cứ thẳng đường mà tiến, vượt qua mọi chướng ngại. Trong những năm tới, Hoà Phát đặt khẩu hiệu “Tầm vóc mới – Sức mạnh mới” cho mục tiêu của mình, tiến tới doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tuy nhiên, ông Long vẫn nhận định “đó chỉ là một kế hoạch thận trọng”.

“Nguyên tắc của Hòa Phát không phải là tính lúc mọi sự đang thuận, nhìn thấy khoản lời vài ngàn tỷ như năm 2016, mà phải tính lúc thị trường xấu nhất, thấp nhất mình vẫn sống được. Chúng tôi không nổ, không nói phét, kế hoạch đặt ra như thế chúng tôi cứ vậy thực hiện thôi”.

Dù đứng trước cạnh tranh lớn từ trong nước lẫn nước ngoài, nhưng ông Long vẫn kiên trì mục tiêu đến cùng. Ông tự nhận mình là con người hành động, giải quyết việc rất nhanh, luôn nhìn về phía trước và không hài lòng với những gì mình đang có.

Vốn kín tiếng và ít xuất hiện trên truyền thông, nhưng có một thời, cái tên Trần Đình Long phủ sóng rộng khắp báo chí, truyền thông sau sự kiện mua máy bay riêng có giá hàng triệu USD vào năm 2010. Vào thời điểm đó, giới doanh nhân Việt Nam mới chỉ có Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai công khai việc có máy bay riêng.

Chiếc máy bay của ông Long là loại trực thăng 6 chỗ, có giá đồn đoán lên tới 5 triệu USD. Thông tin mua máy bay được chính ông công khai trước thềm đại hội cổ đông, với số tiền ban đầu khoảng 17,42 tỷ đồng, do cá nhân vị này chi trả nhưng thanh toán qua công ty.

Ngay sau khi nhận được máy bay, ông Long cho công ty thuê lại với giá một đồng cho một năm sử dụng, phần lớn để chở lãnh đạo Hoà Phát đi thị sát mỏ. Tuy nhiên, đến năm 2015, vị này đã bán lại chiếc máy bay cho một công ty nước ngoài.

Thừa nhận máy bay là thú vui xa xỉ nhất, và cũng đang suy nghĩ đến việc tái sở hữu một “con chim sắt” mới, Chủ tịch Hoà Phát nói nếu mua ông sẽ chọn một chiếc phản lực. “Vì tính chất công việc bây giờ đã khác đi rồi, chúng tôi không còn làm mỏ nữa. Nhưng đó cũng chỉ là suy nghĩ thôi, vì mua về cũng ít dùng, để đó cũng hơi phí”.

Là chủ tịch công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, ông “vua” của ngành thép, nhưng hơn 10 năm kể từ khi Hoà Phát niêm yết, ông Long không nhận lương. Thậm chí, ông khẳng định bản thân còn chẳng điều hành tập đoàn này. Công việc chính của ông là lo đào tạo lớp cán bộ kế cận, vạch đường lối phát triển của tập đoàn.

Nói như vậy nhưng tỷ phú của Hoà Phát bận rộn tới mức muốn đi đâu vài ngày cũng khó. Chiến lược phát triển, các dự án, đào tạo lớp kế cận... đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát ở Dung Quất (Quảng Ngãi) với vốn đầu tư 3 tỉ USD chiếm nhiều thời gian của ông, với tần suất phải bay vào Quảng Ngãi 2 tháng một lần.

“Chúng tôi là doanh tư nhân, cầm đồng vốn của cổ đông nên lao vào làm ngày làm đêm. Mình phải ‘lăn’ vào với anh em chứ”.

Cùng thời với những ông bầu bóng đá đình đám là bầu Đức, bầu Trường, bầu Thắng, ông Long cũng nổi tiếng với biệt danh "bầu Long" khi là ông chủ của đội bóng đá Hòa Phát Hà Nội. Niềm say mê bóng đá vốn được ông giữ từ hồi sinh viên, lúc còn là một cầu thủ nổi tiếng của đội bóng Đại học Kinh tế quốc dân Khóa 22, cho đến khi tiếp quản đội bóng ở giải chuyên nghiệp từ năm 2003.

Dưới thời bầu Long, Hòa Phát Hà Nội từng vô địch V-League vào năm 2006. Sau đó, thành tích câu lạc bộ này tụt dần, có lúc phải xuống chơi ở giải hạng Nhất (năm 2008). Năm 2011, Hòa Phát chuyển giao đội bóng cho ACB, tuyên bố từ bỏ bóng đá.

Đối với bầu Long, dù đã rời xa bóng đá nhiều năm và thừa nhận bóng đá không còn hợp với lứa tuổi của mình, ông vẫn coi đây là môn thể thao yêu thích số 1. Bận rộn với công việc, Chủ tịch Hòa Phát vẫn duy trì thói quen thức đêm xem giải ngoại hạng.

"Làm bóng đá không hề khiến tôi thấy phiền phức gì. Bây giờ anh em ngồi lại với nhau nhắc chuyện 7 năm làm bóng đá vẫn thấy đó là thời kỳ rất hạnh phúc”.

Sớm lọt vào danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, rồi được vinh danh trong danh sách tỷ phú thế giới, nhưng ông Trần Đình Long khẳng định bản thân không thích được gọi là đại gia. Thậm chí, ông còn cho rằng chẳng ai thích “bị gọi” dưới danh xưng như vậy.

“Tôi thì không đến mức tiêu cực là thấy ghét đâu, nhưng thực ra thì mình thích hay không thích thì mọi người sẽ vẫn gọi như thế, nên thôi kệ nó, sống chung với lũ là xong”.

Không vui vẻ với danh xưng đại gia, nhưng ông Long lại chẳng nề hà tự nhận mình là người “quê một cục”. Ông thích tận hưởng những kỳ nghỉ lễ bên gia đình, khoái ngồi trà đá với anh em, thích bàn chuyện chính trị, thời sự và nghe các bài hát thời xưa. Ông còn mê phim chưởng, một thú vui khá giống với tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trong quan điểm của người đứng đầu tập đoàn Hoà Phát, khi xét đến nhân sự, ông đặt ra nguyên tắc bất di bất dịch: Không họ hàng. Theo đó, công ty này không lấy tiêu chí họ hàng để tuyển dụng, vận hành các vị trí trong công ty theo năng lực, công việc thay vì gửi gắm kiểu người thân.

“Các bà vợ thì tuyệt đối không được làm ở đây, nhất là vợ của các lãnh đạo công ty. Ngay cả vợ tôi cũng vậy, tuyệt đối không giao vị trí, hay công việc gì ở Hòa Phát cả. Cái này thì không thể nói hay hoặc dở được, mà là chính sách của mỗi công ty mỗi khác. Nhưng tôi nghĩ ngày hôm nay chúng tôi thành công ở điều đó đấy”.

Nhận xét về công việc ở Hòa Phát, tỷ phú Long cho rằng lương dẫu cao vẫn chẳng tương xứng với công sức mọi người bỏ ra cho công ty. Làm "hùng hục" và cống hiến hết mình là điều ông "Vua Thép" đòi hỏi. Ông Long sẽ không hài lòng khi nhân viên nào đó không toàn tâm toàn ý mà "léng phéng" làm việc khác ngoài công ty.

Đòi hỏi khắt khe về sự trung thành như thế nên vị này cũng căm ghét thói tham nhũng. Tất cả những hành vi không minh bạch, dù ở Hòa Phát hay của đối tác đều bị ông Long ghét cay ghét đắng.