Chủ tịch CTCP Hoá chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC), ông Đào Hữu Huyền, vừa có tâm thư gửi cổ đông. Theo ông, trong lịch sử 8 năm kể từ khi niêm yết, chưa bao giờ cổ phiếu DGC sập sàn 5 phiên liên tiếp, điều bất thường này lại xảy ra ngay năm mà KQKD Công ty cao nhất từ trước đến nay.
Doanh thu ước đạt trên 14.000 tỷ và LNST ước trên 6.000 tỷ đồng. Ngay tại quý 4/2022, lãi tháng 10-11 đã ước đạt 800 tỷ đồng, chắc chắn kế hoạch lãi 1.100 tỷ sẽ đạt được. Chủ tịch cũng nhấn mạnh mọi hoạt động kinh doanh Công ty đều bình thường.
" Chúng tôi có thể tự hào rằng là 1 trong những công ty có nền tảng tài chính tốt nhất Việt Nam với dư tiền gửi trên 8.000 tỷ và số nợ vay phải trả 600 tỷ đồng. Là 1 công ty xuất khẩu lớn nên đã hưởng chênh lệch tỷ giá hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Tuy giá cả có giảm cho một số mặt hàng nhưng lợi nhuận vẫn rất tốt, gần như không có hàng tồn kho, không có nợ xấu...
Việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên chắc quý vị đã biết qua phân tích của các CTCK. Về khía cạnh nội bộ, bên cạnh giải trình với UBCK, chúng tôi thấy có trách nhiệm phải nói rõ thêm với cổ đông, nhà đầu tư được biết", tâm thư ghi.
DGC được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin).
DGC đã phát triển một số hóa chất phốt pho mới phục vụ cho ngành công nghiệp pin lithium đang bùng nổ. Một số sản phẩm mẫu đã được gửi cho mảng xe điện VinFast và các khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc. Ngoài ra, DGC cũng đang gửi các mẫu axit photphoric nhiệt (TPA) cao cấp cho các khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc để phục vụ các ứng dụng điện tử như màn hình LCD.
Năm 2021, khi Trung Quốc tiếp tục cắt giảm sản xuất phốt pho vàng, giá phốt pho vàng trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh, kéo giá phốt pho vàng tại Việt Nam tăng theo. Với tỷ trọng đóng góp của phốt pho vàng hơn 40% doanh số, DGC theo đó cũng trở thành “ngôi sao sáng” không chỉ về kinh doanh mà cả sự tăng trưởng thị giá trên sàn chứng khoán.
Xuất phát điểm, vốn hóa thị trường DGC trong nhóm hoá chất – phân bón xếp sau Đạm Cà Mau (DCM), song chỉ 1 năm đại dịch (năm 2021) vốn hóa DGC tăng hơn 15 lần (DCM cũng tăng mạnh nhưng chỉ đạt 8 lần) và chính thức trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành.
Tại mức đỉnh 230.000 đồng/cp thiết lập cuối quý 1/2022, vốn hoá DGC ghi nhận tăng đến 1,25 tỷ USD để đạt mốc 1,7 tỷ USD lúc bấy giờ. Hiện, thị giá DGC sau đợt điều chỉnh mạnh đang tạm dừng tại mốc 49.000 đồng/cp.
Công ty con là CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) cũng kết thúc quý 3/2022 với doanh thu thuần tăng hơn 3 lần lên 741 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 226 tỷ đồng - đột biến so với con số 33 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PAT ghi nhận doanh thu 2.438 tỷ đồng - gấp 2 lần và LNST 778,5 tỷ đồng - gấp 13 lần cùng kỳ năm 2022. EPS theo đó lên đến 30.000 đồng – thuộc top thị trường hiện nay.
Hiện, công suất của PAT vào mức 20.000 tấn/năm tại, chuyên khai thác và cung cấp hầu hết quặng apatit tại Việt Nam đóng góp 70% cổ phần nên PAT có lợi thế là nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Về đầu ra, sản phẩm chính của Phốt pho Apatit Việt Nam là phốt pho vàng, chiếm hơn 98% trong cơ cấu doanh thu. Sản lượng phốt pho vàng năm 2020 và 2021 là 19.769 tấn và 21.782 tấn.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá phốt pho vàng đưa chỉ số kinh doanh PAT đột biến, tương tự công ty mẹ DGC năm ngoái.