Chủ tịch Hawa: Xuất khẩu gỗ tháng đầu năm tăng 72,5% lên 1,5 tỷ USD, nhiều DN phục hồi 80-90% đơn hàng

Tri Túc |

Có doanh nghiệp thậm chí đã có đơn hàng đến tháng 5, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) - thông tin.

Chủ tịch Hawa: Xuất khẩu gỗ tháng đầu năm tăng 72,5% lên 1,5 tỷ USD, nhiều DN phục hồi 80-90% đơn hàng- Ảnh 1.

Thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí Hội chợ quốc tế đồ gỗ và nội thất HawaExpo 2024, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa), Trưởng ban tổ chức cho biết, thị trường gỗ đang phục hồi trở lại khi tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp đã phục hồi tới 80-90%. Có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 5. Tuy nhiên, những yêu cầu từ khách hàng ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, mẫu mã phải liên tục thay đổi, giá cả phải cạnh tranh hơn.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, đa dạng nguồn khách hàng, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) cho biết sẽ cùng với Công ty Viforest Fair và các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ quốc tế cho đồ gỗ và nội thất với hơn 80% là các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Khi, theo Hawa hiện tăng trưởng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Hiện, theo dự báo thì tình hình kinh tế cũng như thị trường bất động sản Hoa Kỳ đang ấm lên, lãi suất dự đi ngang hoặc giảm giúp triển vọng về nhu cầu đồ gỗ là tốt.

Một số khách hàng xuất khẩu đáng chú ý nhất của Việt Nam năm qua, theo đại diện Hawa còn có Ấn Độ với sức mua tăng hơn 200% so với năm 2022. Dù vậy con số tuyệt đối của khách Ấn Độ vẫn còn rất thấp, và đặc tính họ là khắt khe về giá.

Thị trường lớn khác là Trung Đông, tuy nhiên để khai thác tốt khách hàng này bắt buột chúng ta phải có “network” tốt và thông số kỹ thuật phải rõ ràng.

Chưa kể, mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực song vẫn còn nhiều thử thách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nên tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng cuối năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, ngành gỗ vẫn đối mặt với những thách thức như đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng càng trở nên cao. Bởi các rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải các-bon sau này bắt buộc sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường các nước phải tuân thủ. Ví dụ như Nhật Bản yêu cầu phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi nguồn cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Họ yêu cầu doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải,…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 12/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 11/2023, giảm 0,7% so với tháng 12/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 950 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 11/2023 và tăng 8,6% so với tháng 12/2022.

Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại