Số hóa dữ liệu chậm gây khó doanh nghiệp
Tại phiên chất vấn chiều ngày 5/7, Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đề nghị lãnh đạo các Sở làm rõ trách nhiệm của việc chậm số hóa dữ liệu ngành.
Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ đại biểu huyện Đông Anh) cho biết, qua giám sát của HĐND thành phố cho thấy, tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong quản lý ngành còn chậm, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai. Ngoài ra, việc số hóa dữ liệu thông tin quy hoạch chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin. Do đó, đại biểu Đoàn Việt Cường đề nghị lãnh đạo các sở, ngành làm rõ.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho biết, từ năm 2021, Sở đã được chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch, niêm yết thông tin quản lý quy hoạch và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về quy hoạch kiến trúc về cung cấp thông tin. Năm 2022, Sở Thông tin Truyền thông đề xuất hợp nhất phần mềm cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý quy hoạch chung.
Quang cảnh phiên họp chiều ngày 5/7
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là bản đồ nền, hiện đang được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai. Nếu các bản đồ này không được chuẩn hóa nhanh, Sở sẽ không thể đảm bảo tiến độ trong thời gian tới.
Hiện nay, Sở đang làm việc với Sở Tài chính và Sở Thông tin Truyền thông để chuẩn bị đấu thầu, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thô dựa trên 36 quy hoạch phân khu với 75.000ha; 5 đô thị vệ tinh với 20.415ha và 14 quy hoạch chung xây dựng huyện với 260.000ha. Việc này là để đảm bảo thông tin không bị đứt gãy cho tới khi phần mềm liên kết được
Loại bỏ nhà thầu yếu
Còn theo ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, Thủ đô là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai mang tính thí điểm số hóa dữ liệu đất đai. Tuy nhiên, khối lượng công việc giải quyết là rất lớn. Trong quá trình thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017, thành phố đã dừng lại 1 năm để kiểm tra toàn bộ vấn đề liên quan Bộ thủ tục và quy định về triển khai thực hiện. Sau đó, thành phố tiếp tục giao cho Sở TN&MT là cơ quan chủ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong công tác tổ chức thực hiện trong công tác phối hợp còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.
Theo ông Cường, thời gian tới Sở sẽ chú trọng nâng cao chất lượng về công tác cán bộ đáp ứng nhiệm vụ đề ra. Đối với các đơn vị nhà thầu trúng các gói thầu trong quá trình triển khai thực hiện, Sở giao cho các cơ quan chuyên môn chấm dứt hợp đồng đối với một số đơn vị không còn đủ năng lực tổ chức thực hiện.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Luyến (Tổ đại biểu huyện Đan Phượng) đề nghị làm rõ việc thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, đối với chức danh, số lượng, chế độ chính sách cho cán bộ công chức xã phường, thị trấn, các Nghị Định của Chính phủ quy định rõ số lượng. Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt vị trí việc làm; trong đó, ở xã không có biên chế chuyên trách công nghệ thông tin; ở văn phòng có thêm quy định trình độ CNTT. Quyết định khung vị trí việc làm ở Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện có vị trí chuyên trách về lĩnh vực này và hiện các quận, huyện đang triển khai, thực hiện.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33, quy định cán bộ cấp xã theo hướng xã/phường nào tăng 2/3 dân số theo quy định, được tăng thêm 1 biên chế; nếu diện tích tăng 2/3 so với diện tích quy chuẩn, được tăng thêm 1 biên chế. Trên cơ sở này, Sở Nội vụ đang nghiên cứu tham mưu, sửa đổi Nghị quyết 08 của HĐND TP. về số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu
Cùng liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, Sở chịu trách nhiệm xây dựng mạng thông tin chung và hệ thống dữ liệu toàn thành phố. Văn phòng thành phố chịu trách nhiệm duy trì hệ thống giao ban trực tuyến, còn các đơn vị quận huyện, cấp xã chủ động bảo đảm mạng nội bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, thành phố và ngành.
Về nội dung chuyển đổi số trong các cơ quan thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được Thành phố quan tâm triển khai. Tuy nhiên, kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của thành phố, công tác chuyển đổi số của thành phố trong 2 năm qua còn triển khai chậm, xếp hạng của thành phố nằm ở nhóm địa phương cuối bảng xếp hạng.
Nhận thức được những hạn chế này, từ năm 2022, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, đã thực sự tạo sự chuyển biến bước đầu từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị của Thành phố.