Chủ tịch Hà Nội cho biết: "Tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình".
Do đó, "người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận".
Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. "Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch" - Chủ tịch Hà Nội nói.
Lý giải tại sao có quy định trên, người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội cho hay, đây là nhằm "chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác".
Giống như hình ảnh khách vào nhà cũng phải "xin phép", ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh lại lần nữa "tất cả nội dung ghi âm, ghi hình đều phải được thực hiện một cách công khai minh bạch.
Sau đó lập biên bản để hai bên thống nhất với nhau về nội dung. Việc sử dụng sau đó cũng được thực hiện một cách công khai minh bạch".
Trước đó, câu chuyện gây tranh cãi những ngày vừa qua xuất phát từ quyết định vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành "Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố".
Theo đó, ngoài các quy định chung, nội quy cũng quy định rõ đối với công dân đến trụ sở tiếp công dân thành phố phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ; công dân được tiếp theo thứ tự, phải trình bày trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự trong trụ sở tiếp công dân hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân.
Trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (từ 5 người trở lên) thì phải cử người đại diện để trình bày. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Trong nội quy cũng ghi rõ: "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".
Sau khi ban hành Nội quy này, ngay lập tức có nhiều quan điểm trái chiều. Theo đó, một luồng ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp bởi hiện nay cả luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân. Và cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, chứ không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, quy định này "không sai", bởi Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của phụ trách trụ sở tiếp dân. Quy định này nhằm mục đích hạn chế những trường hợp livestream trên mạng xã hội buổi tiếp công dân với những lời lẽ bình luận không đúng mực; thậm chí có một số người không quay phim, chụp ảnh để giám sát mà mang động cơ khác.
Nội quy tiếp công dân của Hà Nội cũng nêu rõ: Đối với người tiếp công dân, nội quy ghi rõ, phải chấp hành những quy định của cơ quan, đơn vị chủ quản về trang phục, thẻ công chức.
Được quyền yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền; yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.
Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày...
Nội quy cũng yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và những thông tin cá nhân khác của người đến tố cáo; yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Nội quy cũng quy định các trường hợp từ chối tiếp và lập biên bản yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, công dân trong tình trạng không làm chủ được hành vi của mình do dùng chất kích thích; người đã được cơ quan có thẩm quyền xác định mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác dẫn tới mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; công dân khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách pháp luật, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo.
Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ tiếp công dân, người thi hành công vụ; có hành vi cản trở các hoạt động bình thường của trụ sở tiếp công dân, của người thi hành công vụ hoặc vi phạm nội quy tiếp công dân.
Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác nhằm gây rối, xuyên tạc, nói xấu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.