Người quê Hà Tĩnh dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 tại khu cách ly tập trung
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội vào sáng 6/4, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết, từ khi bắt đầu giai đoạn 2 đến nay (từ 6/3),Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhân nhất, kể cả khi trừ đi các ca bay về từ nước ngoài thì vẫn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất.
"Đã có những ca nhiễm ở cộng đồng không xác định được F0. Ví dụ như ca số 237 bởi hiện nay không phát hiện được tiếp xúc từ nguồn nào cả nên có nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng. Vì vậy phải làm tốt công tác cách ly xã hội.
Các cơ quan đơn vị hành chính, từ hội họp, đi lại phải nghiêm túc. Bắt buộc phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay", ông Chung nói, đồng thời cho biết, mọi người cần hình thành thói quen rửa tay, đeo khẩu trang…
Theo ông Chung, ban đầu có suy nghĩ là người già bị nhiễm nhiều, nhưng nguy cơ hiện nay là người trẻ. Như tỷ lệ nhiễm bệnh ở Mỹ có người trẻ rất lớn. Ở Việt Nam, lượng học sinh, sinh viên từ nước ngoài về cũng nhiễm nhiều. Ngay như lây nhiễm ở trong nước tỷ lệ tuổi dưới 60 cũng lớn chứ chưa vào nhóm lớn tuổi hơn.
"Công chức, viên chức đi làm nếu không cẩn thận thì cũng bị lây. Thực tế đã có nhân viên của Cục Sở hữu trí tuệ, rồi nhân viên của Bảo Việt.
Các cháu nhỏ cũng có rồi. Vì vậy, cần làm tốt công tác phòng chống dịch ở từng cơ quan, đơn vị, làm tốt công tác tuyên truyền để từng gia đình cũng làm công tác này tốt", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội chỉ rõ, trong 1 tháng qua, thành phố đã có 96 ca nhiễm Covid-19, trong đó, thuộc 3 nhóm gồm: Nhóm dương tính được phát hiện qua khâu cách ly ở sân bay đi từ nước ngoài trở về và nhóm này không đáng lo ngại do đã kiểm soát được.
Nhóm thứ 2 là những ca nhiễm Covid-19 chéo ở bệnh viện và ngoài xã hội hiện có 17 ca. Nhóm thứ 3 là ca nhiễm trong BV Bạch Mai là 36 ca.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng thông tin thêm về các ca nhiễm mới trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, ngày hôm qua, CDC Hà Nội đã xét nghiệm từ việc sàng lọc các trường hợp đi trên chuyến bay SU từ Moscow (Nga) về Hà Nội và hiện đang được cách ly tại khu KTX của Đại học FPT ở Hòa Lạc.
Qua đó, phát hiện 1 trường hợp 35 tuổi, người ở Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nhập cảnh ngày 25/3, xét nghiệm lần đầu âm tính nhưng lấy mẫu xét nghiệm lần 2 ngày hôm qua cho kết quả dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Ông Chung nhắc lại trường hợp anh Q.Q.T (47 tuổi, ở Mê Linh) đi đến khám ở Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3/2020 tại Khoa miễn dịch dị ứng, ngày 4/4, trung tâm y tế huyện lấy mẫu và gửi CDC xét nghiệm, ngày hôm nay có kết quả dương tính lần 1 với SARS-CoV-2..
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trường hợp anh T. đến Bệnh viện Bạch Mai và từ hôm đó về chỉ ở nhà, chẳng giao tiếp với ai cả nhưng 23 ngày vẫn dương tính. Do đó, đây là thực tế diễn ra trên địa bàn thành phố nên cần phải có nhận thức về vấn đề này.
Bên cạnh đó, ông Chung dẫn lại việc nữ tiếp viên có 2 lần xét nghiệm âm tính nhưng đến lần thứ 3 lại dương tính.
Quang cảnh phiên họp.
"Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp phát bệnh chậm, lâu nhất ở Vũ Hán, Trung Quốc đến 39 ngày mới phát bệnh.
Do đó, cần lưu ý rà soát, còn bao nhiêu người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10 - 25/3 thì phải cách ly nghiêm túc. Có lẽ phải kéo dài thời gian cách ly, chứ không chỉ là 14 ngày.
Trước mắt, với các trường hợp cách ly tập trung đã hết thời gian cách ly 14 ngày thì phường cần ra quyết định yêu cầu cách ly thêm 14 ngày nữa tại nhà, phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không tiếp xúc với người thân....
Đối với các trường hợp F1 cũng tương tự như vậy. Đối với các trường hợp liên quan đến Bạch Mai và bệnh nhân 237 cần cách ly đến hết ngày 15/4, thậm chí kéo dài đến 20/4...", ông Chung nêu rõ.
Nếu không chuẩn bị tốt tinh thần, vật chất thì khi bùng phát rất dễ thất bại trong trận đầu
Chủ tịch Hà Nội cũng lưu ý, ca nhiễm số 237 chỉ trong vòng mấy ngày đã đã kéo theo hơn 100 trường hợp F1, hơn 200 người F2. Trước đó, bệnh nhân 17, bệnh nhân 21 đã có hơn 2.175 người có liên quan F1, F2 có liên quan.
"Bây giờ chúng ta đang ít chứ nếu xảy ra 100 - 200 người/ngày thì tôi tin không có đủ người để xác minh. Do đó, có trường hợp nào phải làm triệt để. Bây giờ chúng ta vẫn chủ động còn nếu rơi vào trường hợp kia thì liệu các phường, xã có đủ để phản ứng không", ông Chung phân tích.
Do đó, ông Chung nhấn mạnh, biện pháp Thủ tướng đề ra là phương án giãn cách xã hội, cách ly xã hội là phương án tối ưu, duy nhất.
"Từ đây để thấy nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng của chúng ta đang rất cao, cho nên cần phải làm tốt. Tôi đã từng cảnh báo, chúng ta đã làm rất dài, rất lâu, đến hơn 60 ngày.
Những người làm đường dài, nếu không chuẩn bị tốt tinh thần, vật chất thì khi bùng phát rất dễ thất bại trong trận đầu. Do vậy đây là thời gian phải tổng lực rà soát lại và chuẩn bị", ông Chung lưu ý.
Ông Chung cũng nêu ra lo ngại nếu ngành y tế TP không chuẩn bị tốt thì rất dễ thiếu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong thời gian tới.
Bởi theo ông Chung, nhiều nước phát triển hiện nay có những trang thiết bị trước đây chỉ dùng một lần như dao mổ, thì nay phải dùng lại.
"Nếu như chúng ta không lường trước được cái này, thì ngành y tế rất dễ lún sâu vào khủng hoảng
Bởi có những trang thiết bị chúng ta lên kế hoạch mua từ đầu năm, chưa kịp mua thì đã tăng giá lên gấp đôi", ông Chung nói và yêu cầu các sở ngành khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất trang thiếu bị y tế.
Bên cạnh đó, ông Chung cũng yêu cầu các đơn vi phải phạt nghiêm các trường hợp ra đường không thuộc diện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các cửa hàng mở cửa nhưng không bán mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, tất cả trường hợp ra đường không đeo khẩu trang phải xử phạt nghiêm túc.