Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Việt Nam có lợi thế của người đi sau

N.Mạnh |

Nêu quan điểm tại Diễn đàn Thanh toán điện tử - VEPF 2016 ngày 24/11, ông Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam có lợi thế của người đi sau, tức là lựa chọn những công nghệ hiện đại nhất để sau này không phải sửa chữa, vá lỗi nhiều.

Xe bus TP.HCM sắp sử dụng thẻ thông minh

Ngày 24/11, Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam 2016 (VEPF 2016) được tổ chức với chủ đề chính là thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông.

Thảo luận về chủ đề giải pháp nào thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí giao thông đường bộ, ông Trương Gia Bình đặt vấn đề: Liệu người dân có cần mở 2 tài khoản, một tài đi đường cao tốc, một tài khoản đi đường đô thị hay không? Sắp tới sự liên thông giữa 2 tài khoản này thế nào?

Đáp lại, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông TP. HCM cho biết, Thành phố đang quản lý các hợp đồng thu phí BOT trên Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh... thực tế gặp phải vấn đề như ông Bình đề cập, mỗi nhà đầu tư lại sử dụng công nghệ thu phí khác nhau.

Lãnh đạo Sở Giao thông TP.HCM cho biết, trong tháng 12 cơ quan này sẽ mở thầu vé thông minh trên hệ thống xe bus ở TP.HCM, chuyển vé giấy sang vé thông minh. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 xe bus ở TP. HCM chuyển sang hệ thống vé thông minh và người dân sẽ được trợ giá.

Trước mắt do hệ thống công nghệ và kết nối chưa thể liên thông, ông Cường cho biết, mấu chốt là ứng dụng đầu đọc thẻ phải đọc được nhiều loại thẻ khác nhau.

“Nếu đầu đọc thẻ chấp nhận và "đọc" được tất cả các loại thẻ, thì người dân dù có nhiều loại thẻ vẫn tham gia giao thông được”, ông Cường nói.

Ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện Jica tại Việt Nam thì cho rằng vấn đề có nhiều thẻ khác nhau cũng không vấn đề gì, quan trọng là các thẻ đó được kết nối với nhau vào một tài khoản ngân hàng duy nhất.

“Việt Nam thời gian tới có dự định dùng một loại thẻ duy nhất hay không và phải phát triển nó làm sao thanh toán được xuyên biên giới cũng như đảm bảo được tính bảo mật”, ông Yamamoto Kenichi nói.

Tuy nhiên trong tương lai, ông cho rằng Việt Nam có thể hướng tới việc dùng chung một thẻ duy nhất để sử dụng tại tất cả các địa điểm như nhà hàng, giao thông, mua sắm... thì sẽ tiện lợi hơn.

Thẻ không có tiền vẫn được đi, sau đó thu hồi thế nào?

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng Việt Nam có bất cập là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông với rất nhiều nguồn vốn, Chính phủ, ODA, WB... Điều này dẫn đến tình trạng đó là có rất nhiều loại công nghệ khác nhau.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Trường, đầu tiên cần ban hành chuẩn công nghệ. "Gần đây đã làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin Truyền thông, các nhà đầu tư phải đảm bảo chuẩn này thì mới cho đầu tư", ông Trường nói.

Theo ông Trường, Việt Nam có diện tích không lớn lắm, thu phí cũng ở mức độ giới hạn nào đó và hiện cũng chỉ có vài ba nhà đầu tư.

"Do đó, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên phải ngồi lại với nhau để đưa ra một giải pháp công nghệ chung nhằm giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm chi phí cho xã hội và tạo thuận lợi cho người dân", ông Trường cho biết.

Với tài khoản giao thông, ông Trường cũng đặt vấn đề dù thẻ đó không còn tiền vẫn phải cho người ta đi và vấn đề phải thu lại tiền đó như thế nào. Như ở một số quốc gia khác sau 15 ngày phải nạp vào, còn quá hạn thì bị phạt. Việt Nam phải xây dựng cơ chế như thế nào.

Nêu quan điểm về giải pháp triển khai thanh toán điện tử trong thu phí giao thông đường bộ, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam có lợi thế của người đi sau, tức là lựa chọn những công nghệ hiện đại nhất để sau này không phải sửa chữa, vá lỗi nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết đồng tình với quan điểm của ông Trương Gia Bình.

Ông Trường cho biết thêm, trong tuần này Chính phủ đã họp bàn lần cuối về chính sách thu phí giao thông không dừng. Có thể trong tháng 11 sẽ ban hành quyết định cuối cùng về thu phí không dừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại