Tại tọa đàm phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức chiều 9-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là "trái tim" của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Cơ quan này đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050", với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh mô hình liên kết: Nhà nước - Nhà Doanh nghiệp - Nhà trường rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng chương trình, tuyển chọn học viên, tổ chức đào tạo và thực hành cần được thực hiện trên cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành.
Về phía các trường đại học, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, khẳng định việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, PGS Vũ Hải Quân cũng nêu rõ khi nguồn lực hạn chế, nếu để các trường đại học tự "bơi" trong đào tạo nhân lực bán dẫn thì rất khó để tạo đột phá. Với một lĩnh vực quan trọng như bán dẫn, ông cho rằng sự đầu tư kinh phí mạnh mẽ từ nhà nước là vô cùng cần thiết.
Theo PGS Vũ Hải Quân, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ bán dẫn, đây là con số nói lên nhiều điều. Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng cơ hội là rất lớn, song phải có cơ chế mạnh mẽ để hỗ trợ công tác đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, nhận sinh viên thực tập và chuyển giao công nghệ.
Về phía doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, bày tỏ ấn tượng với sự lăn lộn của lãnh đạo Bộ KH-ĐT và lãnh đạo một số địa phương, trong đó có TP Đà Nẵng trong việc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Trong mô hình liên kết 3 Nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường, ông Trương Gia Bình cho rằng có thời điểm, Nhà nước còn lăn lộn, miệt mài với phát triển ngành bán dẫn hơn cả nhà doanh nghiệp.
Trong mục tiêu chung đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, ông Bình cho biết Tập đoàn FPT cam kết đào tạo 10.000 nhân sự. Hiện, công tác đào tạo đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống của doanh nghiệp này, từ các khóa ngắn hạn đến hệ cao đẳng, đại học. FPT cũng đã và đang kết nối với các đối tác từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan để hợp tác đào tạo nhân lực.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bày tỏ lạc quan về đầu ra của ngành bán dẫn. Ông nhấn mạnh các sinh viên sẽ có nhiều cơ hội về việc làm khi được đào tạo về lĩnh vực đang được cả thế giới quan tâm này. "Khi tôi gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản, họ có nhiều việc giao cho chúng ta nếu chúng ta có nguồn nhân lực, việc của chúng ta phải học nhiều để vươn lên"- ông Bình nói.
Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra lễ bế giảng chương trình "Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản" - là khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu do NIC phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi (ở Mỹ), Tập đoàn Cadence (ở Mỹ), cùng sự hỗ trợ của các trường Đại học tổ chức, với 70 học viên.
Ông Trương Gia Bình cho biết các học viên ở khóa học trên đang có nhiều cơ hội làm việc trong các liên danh với FPT trong lĩnh vực công nghệ. Chủ tịch FPT cũng mong muốn hiện thực hóa các ý tưởng về phát triển chíp, thực hiện sứ mạng đưa ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển.