Đó là chia sẻ của Chủ tịch FPT Software tại phiên thảo luận Câu chuyện đổi mới, sáng tạo - Từ thế giới đến Việt Nam trong Diễn đàn CEO năm 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 5/4.
Chuyện FPT đi làm thuê cho nước ngoài
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định, công nghệ thông tin phải được coi là ngành công nghiệp. Đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 hay xã hội 5.0 được nhắc đến nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam, số hoá là nền tảng.
Trong quá trình đó, Chính phủ là người kiến tạo môi trường, doanh nghiệp là trung tâm và người dẫn dắt là các CEO. Mục tiêu là hướng đến bứt phá, phát triển bền vững là tương lai. Dòng chảy chính trong phát triển số là như vậy.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Quang Phúc.
"Một cô thợ may ở Quảng Nam, anh trồng cà phê ở Tây Nguyên hoàn toàn có thể bán sản phẩm ra thế nhờ thương mại điện tử. Không gian cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong nền kinh tế số rất lớn. Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại, làm cho doanh nghiệp nhỏ lớn lên", Chủ tịch VCCI nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch FPT Software kể: "Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng trách chúng tôi 20 năm chinh chiến thế giới rồi nhưng vẫn đi làm thuê. Thế giới cũng có nhiều việc làm thuê lắm và họ cũng trả lương rất tốt, khoảng 8.000 tỷ của FPT Software là từ làm thuê.
Tôi nhớ cách đây 1 năm, Bộ trưởng Mạnh Hùng có nói 20 năm FPT đi ra nước ngoài vậy 10 năm tiếp theo FPT phải làm gì cho đất nước. Sau đó, chúng tôi có những thay đổi rất lớn, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã xác định chúng ta phải làm những gì thế giới chưa làm hoặc đang làm nhưng chưa thành công". Doanh thu từ chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu của FPT Software, tăng trưởng 80-10%/năm so với mức bình quân 30% của các lĩnh vực khác.
Vị doanh nhân ví FPT giống một con cá hồi, sinh ra ở sông suối, sau khi trưởng thành đi khắp năm châu bốn bể, khi sinh đẻ để quay về nơi đã sinh ra. FPT chính là con cá hồi đang trên hành trình đem những gì đã làm được trên thế giới mang về Việt Nam giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, cạnh tranh với thế giới.
Ông Hoàng Nam Tiến nói rằng: "3 cuộc cách mạng công nghiệp trước Việt Nam không tham gia, đến cuộc cách mạng 4.0 này nếu lỡ tàu thì sao chắc cũng không sao nhưng lỡ chuyến tàu lần này tôi nghĩ chúng ta khó có cơ hội bắt kịp thế giới. Các cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi quan trọng nhất là năng suất lao động.
Cách mạng 4.0, chuyển đổi số là yếu tố quyết định năng suất lao động. Hiện nay năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4.000 USD/người/năm, đây là con số rất thấp so với khu vực. bằng 1/10 hay 1/15 các nước trong khu vực".
Vị chủ tịch thú nhận, FPT dù đi khắp nơi trên toàn cầu, có 15.000 - 16.000 người làm việc ở các nơi trên thế giới nhưng năng suất lao động chỉ bằng một nửa so với các công ty hàng đầu thế giới, điều đó lý giải vì sao chúng ta nghèo. Từ đó đặt ra yêu cầu bức thiết là làm sao có thể đuổi kịp khu vực, đối với doanh nghiệp năng suất lao động là vấn đề sống còn.
Tuy nhiên, để tăng năng suất thì những cải tiến hàng ngày, nhân sự làm thêm giờ, chăm chỉ hơn không có tác động nhiều mà quan trọng là phải chuyển đổi số. Chuyển đổi từ những cái nhỏ nhất, ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhanh, cái gì làm quá 6 tháng không có kết quả thì bỏ đi, đừng làm vội.
"Chúng tôi đang có đội ngũ 100 - 200 người có năng suất lao động gấp đôi những công ty hàng đầu thế giới nhưng số lượng còn quá nhỏ. Tuy nhỏ, nhưng là những lao động nhanh nhất, tiếp xúc những sáng tạo nhất trên giới sẽ là đầu tàu kéo số đông", ông Hoàng Nam Tiến nói. Thời gian qua, tập đoàn đã tiếp xúc với hàng chục doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để bắt tay chuyển đổi số.
Phiên thảo luận Câu chuyện đổi mới, sáng tạo - từ thế giới đến Việt Nam - - Ảnh: Quang Phúc.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng nói đến đổi mới sáng tạo thì có hai phần đó là những thứ hiện hành, thứ hai là startup làm những thứ Việt Nam chưa có. Điều quan trọng nhất là thể chế phải tạo ra cho đổi mới sáng tạo nảy nở.
"Đầu tiên tôi nghĩ là phải gỡ thể chế, từ đó tạo động lực buộc doanh nghiệp phải đổi sáng tạo. Một khi doanh nghiệp tìm kiếm thành công bằng đường khác hơn là đổi mới sáng tạo thì chúng ta nói vẫn cứ là nói. Cần hành động nhiều hơn, nhanh hơn. Với Chính phủ là nhanh hơn, với doanh nghiệp họ luôn luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển. Chúng ta đã hơi chậm, phải phá bỏ một số lĩnh vực. Chính phủ, các cơ quan phải hành động nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn", ông Cung nói.
Đồng quan điêm, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng muốn có nền kinh tế thông minh, phải có hệ thống thể chế thông minh.
Kinh tế số sẽ góp 1,3% GDP
Ở góc độ nhà quản lý, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp trong mọi thời kỳ. Từ thực tiễn kinh tế thế giới, thiếu sáng tạo doanh nghiệp sẽ lụi tàn. Như Nokia đầu tư rất nhiều, Chính phủ Phần Lan hỗ trợ tối nhưng vẫn sụp đổ, Yahoo cũng đóng cửa. Khi thành công, ở trên đỉnh cao rồi vẫn phải sáng tạo.
Theo ông Duy, có nhiều cấp độ đổi mới sáng tạo, đầu tiên là đầu tư tiền bạc đổi mới dây chuyền sản xuất, làm sao để sản phẩm cạnh tranh được, tận dụng được nguồn nhân lực, tài nguyên nhưng nếu như vẫn không cạnh tranh được thì phải chuyển sang giai đoạn 2 hấp thụ công nghệ, tức là mua công nghệ về.
Giai đoạn thứ 3 là khi không ai bán công nghệ cho nữa thì phải sáng tạo công nghệ. Dù doanh nghiệp nhỏ hay vừa, đầu tàu, sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp đều phải lựa chọn quy trình hợp lý.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy
Vị này cho biết, Việt Nam có 4 nhóm doanh nghiệp, 96-98% doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa không thể đầu tư vào giai đoạn sáng tạo công nghệ nên tập trung vào giai đoạn 1 và 2. Nhóm doanh nghiệp đầu đàn là Viettel, FPT có thể tập trung vào sáng tạo triển khai công nghệ. Nhóm startup, nhóm doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể bước ngay vào công nghệ mới của thế giới, trong đó khuyến khích startup có ý tưởng mới, lợi thế phát triển ngay không bị bộ máy cồng kềnh.
"Kinh tế số là một phần của kinh tế. Theo nghiên cứu của chúng tôi, kịch bản tốt nhất, dự báo, 2045, chuyển đổi số sẽ giúp tăng GDP 1,3%. Nếu kịch bản thấp hơn là là xuất khẩu số hay tiêu thụ số thì kịch bản thì kinh tế số chỉ góp 0,4-0,5% vào GDP", ông Duy nói.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hỗ trợ chuyển giao công nghệ tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tàu sáng tạo công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trên công nghệ mới nhất. Doanh nghiệp khoa học công nghệ, công nghệ cao có chính sách ưu đãi thuế phí riêng...