Mới đây tại TPHCM rộ lên thông tin Món Huế nợ 18 nhà cung cấp với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Thông tin từ báo Tuổi trẻ cho thấy một loạt cửa hàng Món Huế đóng cửa.
Văn phòng trong tình trạng "vườn không nhà trống", do không thanh toán tiền thuê nhà trong nhiều tháng nên bị đòi lại mặt bằng. Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế thuộc sở hữu của công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam.
Giới thiệu trên trang web của công ty này cho biết, Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam sở hữu chuỗi các nhà hàng Món Huế, phở ông Hùng, Cơm Express, Great Bánh mì & cafe, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant, TP Tea và Mì Quảng Bếp Tâm.
Công ty này từng 2 lần gọi vốn thành công mỗi lần 15 triệu USD từ các quỹ đầu tư như Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mark Mobius quản lý.
Khoảng tháng 12/2015, Huy Việt Nam gây chú ý lớn khi có thông tin công ty này đã nộp hồ sơ IPO ở Sàn Giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEx), số vốn huy động được dự kiến sẽ lên tới 100 triệu USD vào mùa xuân năm 2016.
Tuy nhiên, sau loạt thông tin ồn ào về kế hoạch IPO dự tính nói trên, đến nay chúng tôi không ghi nhận thêm bất cứ thông tin gì về việc niêm yết Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong như đã công bố trong kế hoạch trước đó của Huy Việt Nam.
Theo thông tin từ FinanceAsia, Huy Việt Nam cũng không phải là một doanh nghiệp Việt Nam, bởi không đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà đặt trụ sở tại đảo Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
Lý do là HKEx chưa công nhận Việt Nam là thị trường đạt chuẩn cho việc đăng ký hoạt động của các công ty muốn niêm yết tại đây. Việc đăng ký tại đảo Cayman sẽ giúp Công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á này.
Công ty này đăng ký kinh doanh tại Việt Nam với vốn điều lệ 400 tỷ đồng và thuộc sở hữu của Huy VietNam (HongKong) Limited được đăng ký kinh doanh tại Hong Kong, Trung Quốc.
Mô hình này khá giống cấu trúc VIE (Variable Interest Entity) được một số công ty Trung Quốc như Alibaba, Tencent, JD,.. áp dụng để tiến hành IPO tại Mỹ.
Đây là cấu trúc cho phép những công ty Trung Quốc hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm, bị giới hạn tại Trung Quốc thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Ví dụ trường hợp của Alibaba, công ty niêm yết được đặt tại đảo Cayman và kiểm soát khoảng 80% Alibaba nội địa Trung Quốc, có công ty con tại Hong Kong và các công ty hoạt động tại nội địa. Mặc dù vậy khi đầu tư cổ phiếu Alibaba giao dịch tại New York Exchange, nhà đầu tư không thực sự sở hữu toàn bộ Alibaba.
Mặc dù giống về bề ngoài nhưng trường hợp của Huy Việt Nam không được xem là cấu trúc VIE do ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam không bị giới hạn đầu tư và thuộc sở hữu 100% của công ty Huy Việt Nam tại Hong Kong, khác với mô hình của Alibaba.