Chủ nhiệm Lê Thị Nga cầm cuốn SGK Toán lớp 1 trên tay và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Giáo dục

Pv |

Bàn về SGK, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói: “Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn còn mới tinh, không dùng gì cả”.

Sáng nay (19/9), tại phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp.

Báo cáo Thẩm tra của Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đề án đổi mới cơ bản được thực hiện theo lộ trình.

Việc xây dựng chương trình GDPT tổng thể và dự thảo các chương trình môn học được triển khai khá thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi để có căn cứ hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các khâu biên soạn sách giáo khoa mới, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cũng đang được gấp rút triển khai cho thấy sự quyết tâm cao của ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, vẫn còn nhiều băn khoăn về tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện Nghị quyết vì Báo cáo chưa nêu được kết quả cụ thể cũng như chưa đánh giá rõ mức độ hoàn thành từng khâu, từng công đoạn trong tổ chức thực hiện, ghi nhận của VOV.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cầm cuốn SGK Toán lớp 1 trên tay và    đặt câu hỏi với Bộ trưởng Giáo dục - Ảnh 2.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại buổi họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã bày tỏ những thắc mắc về sách giáo khoa và sự lãng phí trong in ấn.

Bà Nga cầm cuốn sách giáo khoa môn Toán lớp 1 giơ lên và cho biết, trước đây bài tập có sách riêng, sách giáo khoa có sách riêng, nhưng bây giờ bài tập lại chung với sách giáo khoa và học sinh buộc phải ghi bài tập vào sách.

"Tại sao bây giờ khác thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2 - 3 thế hệ? Tại sao lại phải ghi bài tập vào sách giáo khoa? Tại sao chúng ta lại để phí mỗi năm chúng ta xuất bản hơn 1 triệu cuốn SGK, xã hội mất 1.000 tỉ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa?", báo Thanh niên ghi lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, mỗi cuốn sách chỉ 10.000 đến 12.000 đồng nhưng ảnh hưởng muôn nhà.

"Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, có biểu hiện gì ở đây? Thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không?

Trước đây SGK không phải như vậy nhưng sau đó người ta cứ đưa vào các bài tập, hình vẽ. Nhà in không tự in như thế được mà có thể người đặt hàng người biên soạn yêu cầu sách phải như vậy", báo VOV ghi lời bà Nguyễn Thanh Hải.

“Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn còn mới tinh, không dùng gì cả”, bà Hải nói thêm và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có tổng kết, đánh giá việc thực hiện việc này.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại