Hơn 1 tháng qua, câu chuyện về vùng dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh Hải Dương được người dân cả nước quan tâm. Hôm nay là ngày thứ 21 liên tiếp trên địa bàn không ghi nhận thêm các ca bệnh mới và còn 3 bệnh nhân đang được điều trị (2 ca tại ổ dịch Liên Hồng, 1 ca tái dương tính).
Tại ổ dịch nhà hàng Thế giới bò tươi (36 Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương), nơi có 13 ca bệnh mắc COVID-19, cũng là ổ dịch đầu tiên của tỉnh Hải Dương, đến thời điểm hiện tại, các bệnh nhân đã được chữa khỏi, xuất viện về nhà. Tuy nhiên, ngày 20/9, bệnh nhân 972 tái dương tính với SARS-COV-2 trở lại.
Bà Đỗ Thị Nghĩa - Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão đi kiểm tra tại ổ dịch 36 Ngô Quyền thời điểm phong tỏa, giám sát. Ảnh: Đ. Tùy
Còn nhớ trong đêm chính quyền phường Phạm Ngũ Lão tổ chức dỡ bỏ khu cách ly tại ổ dịch phố Ngô Quyền, người dân nơi đây đã rất vui mừng, phấn khởi. Cũng trong đêm đó, chị Vũ Thị Quyên (SN 1981– chủ nhà hàng Thế giới bò tươi, con gái bệnh nhân 867) đã có những phút trải lòng, sẻ chia với PV Báo Gia đình & Xã hội.
Chị Quyên tâm sự: "Trong khoảng 10 ngày đầu tiên tôi không dám nghe một cuộc điện thoại nào gọi đến vì thực ra không phải ai cũng động viên, chia sẻ với mình. Có những cuộc điện thoại khi nghe xong, tôi không khóc nổi vì họ oán trách gia đình tôi.
Thời gian đầu khi nằm trong khu cách ly tập trung, một ngày không biết bao nhiêu lần nhắc đến tên vợ chồng tôi, tên nhà hàng bò tươi và ổ dịch 36 Ngô Quyền khiến bản thân tôi rất mệt mỏi. Có khi gia đình tôi chưa ốm vì COVID nhưng lại ốm do hoang mang, thậm chí khiến nhiều người dân cũng hoang mang.
Phút trải lòng của chị Quyên - chủ nhà hàng Thế giới bò tươi tươi với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Đ.Tùy
Ngày đó, mọi áp lực dồn xuống gia đình và bản thân khiến tôi đôi lúc đã nghĩ đến điều tiêu cực. Tuy nhiên, chưa khi nào tôi nghĩ mình mắc COVID-19. Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều là nếu không may người thân gặp tình huống xấu nhất thì sẽ lo công việc như thế nào, thậm chí các con của mình mắc bệnh thì sẽ chiến đấu ra sao?
Tôi lo sức khoẻ cho hàng xóm, láng giềng, những người sống cạnh nhà mình và chỉ sợ không may mọi người mắc bệnh. Nếu chỉ có những thành viên trong gia đình tôi mắc bệnh thì cơ quan chức năng sẽ khoanh vùng được, không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và hàng xóm".
Theo ghi nhận, có 13 bệnh nhân mắc COVID-19 liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi. Ảnh: Đ.Tùy
Nhớ lại thời điểm bố đẻ bị bệnh, chị Q kể khi nhận được tin báo bố đẻ có kết quả dương tính với virus SARS-COV-2, chị hoang mang và chưa định hình được COVID-19 là như thế nào. Lúc đầu ai cũng nghĩ bị mắc COVID là liên tưởng đến cái chết. Sau khi trong gia đình, bạn bè có nhiều người nhiễm bệnh thì chị đã bớt căng thẳng hơn…
Điều khiến chị Quyên lo sợ nhất là sau khi hết thời gian cách ly trở về với cuộc sống đời thường gặp bạn bè, người thân, có những người thông cảm thì không sao, nhưng với những người không hiểu thì có thể vài tháng sau gia đình chị không dám đi đâu vì cứ nhắc đến nhà hàng bò tươi, ổ dịch 36 Ngô Quyền là họ đã sợ.
"Khi cuộc sống trở lại bình thường, tôi mong con cái đến trường, bạn bè cô giáo yêu quý, không xa lánh, kỳ thị. Những thành viên trong gia đình đi ra ngoài được mọi người thân thiện thì tự nhiên vợ chồng tôi có động lực để lao động. Trong khi đó, 2 con nhà tôi đang tuổi ăn học, cháu nhỏ tiểu học, cháu lớn học năm cuối cấp THCS", chủ hàng hàng bò tươi tâm sự.
Niềm vui của người dân tại ổ dịch 36 Ngô Quyền trong đêm công bố dỡ chốt cách ly y tế. Ảnh: Đ.Tùy
Cũng theo chị Quyên, trước khi các con trở lại trường học, vợ chồng chị đã động viên, làm công tác tâm lý rất nhiều vì sợ các cháu tuổi còn nhỏ, dễ bị tổn thương, bỏ học.
"Mọi người không nên nhìn hình ảnh COVID-19 đến mức quá sợ, không phải cứ mắc COVID là nghĩ đến tử vong. Còn những thông tin trái chiều suy diễn thì tôi có biết nhưng không để ý, quan tâm vì người nhà mình như thế nào là mình biết, hàng xóm biết.
Kinh tế thì mình có thể vực dậy được nhưng tôi sợ sự xa lánh, kỳ thị của xã hội, cho nên mong mọi người đừng nhìn những người như chúng tôi ở chiều hướng tiêu cực để gia đình có động lực lao động, làm việc, ổn định cuộc sống...", chị Quyên bày tỏ mong muốn.