Bà Nguyệt đến, hòa vào một đoàn sở, ngành để viếng nguyên Tổng Bí thư rồi lặng lẽ vào giở sổ tang nắn nót từng dòng chữ trong sự xúc động nghẹn ngào.
Mở đầu trang giấy, bà viết: “Chú Mười kính yêu nhất của học sinh miền Nam số 6”... Cứ viết vài câu, bà lại khựng lại, khóc nghẹn.
Chú Mười là ân nhân của học sinh miền Nam
Bà nhớ năm 1956, khi chỉ mới 15 tuổi đầu, bà là một trong số 4.000 học sinh miền Nam ra tập kết ở đất Bắc, may mắn được gặp và ấn tượng với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, khi ấy vừa mới nhận nhiệm vụ là Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Cứ viết vài câu là bà Nguyệt lại khóc nghẹn. Ảnh: PLO
“Lúc đó học sinh miền Nam rất đông, ở tản mạn khắp nông thôn thuộc các tỉnh miền Bắc. Sau đó, chú Mười đã đưa chúng tôi về Hải Phòng, lo ăn ở đàng hoàng. Chúng tôi mang ơn chú” – bà xúc động.
Theo lời kể của bà Nguyệt, cũng thời gian đó, 700 học sinh trường số 6 không may bị ngộ độc. Ngay khi thấy bà Nguyệt hớt hải chạy đến báo, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vội vã “xỏ ống quần”, chạy xe đạp thật nhanh đến cứu học sinh miền Nam.
“Lúc đó đang giờ nghỉ trưa nhưng gấp quá rồi, rất nhiều bạn học bị đau bụng, nôn mửa, tôi chạy qua chú đập cửa, khóc lớn: Chú Mười ơi, các bạn cháu ở trường số 6 bị ngộ độc, nguy cấp rồi.
Mới chỉ nghe đến đó, chú đứng phắt dậy, xỏ một chân vào ống quần, nhảy nhảy để xỏ tiếp chân nữa rồi chạy. Có người đưa chú chiếc xe đạp và nói gì không biết, hai chú cháu chạy phăng phăng về trường.
Chú đi kiểm tra thăm các học sinh. Mỗi lớp có thầy cô chủ nhiệm, có cô chú cấp dưỡng vội vã đun những chảo nước sôi để nguội. Các y bác sĩ tới rất đông làm nhiệm vụ rửa ruột cho hơn 700 nữ sinh..."
"Chú ơi, những năm tháng đó làm sao cháu quên? Nếu không có chú, không có 700 hạt giống đỏ để trở về miền Nam cống hiến đến ngày hôm nay?” - bà Nguyệt nói trong nước mắt. Với bà, những câu chuyện đó như mới vừa hôm qua.
Bà kể tiếp, học sinh miền Nam còn có dịp “mè nheo” với “chú Mười". Khi ấy, trường học sinh miền Nam số 6 tổ chức đêm diễn văn nghệ, vì là tác phẩm kịch nên nhóm bà được xếp cuối cùng. “Trời tháng 12 năm đó lạnh lắm, thấy lịch biểu diễn sau cùng mà lạnh quá nên bọn tôi qua mách với chú Mười ngay. Bảo rằng: “Chú ơi bọn con lạnh quá, làm sao biểu diễn văn nghệ được nữa…”. Thế là ngay sau đó nhóm được xếp diễn đầu, lại may mắn được giải Nhất nữa”.
Bà Nguyệt viết đến ba trang giấy trong sổ tang. Ảnh: PLO
Vị Tổng Bí thư giản dị
Rồi cũng cuối năm ấy, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rời Hải Phòng đi nhận nhiệm vụ mới. Và mãi đến 40 năm sau, cô học trò nhỏ của miền Nam may mắn gặp lại “chú Mười” của mình vào một dịp tình cờ tại nhà khách T78 (Lý Chính Thắng, quận 3).
Lúc ấy, sau khi chào chú một tiếng rõ to, bà Nguyệt gợi nhắc lại cô học trò nhỏ năm ấy là nguyên Tổng Bí thư nhớ ra ngay. “Ừ, gọi chú là phải” - ông cười hiền hòa.
Những câu chuyện về một nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong bà Nguyệt như sống lại. Ảnh: PLO
Hai chú cháu gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, tâm sự nhiều chuyện. Nguyên Tổng Bí thư còn bảo cháu nội ra chào bà Nguyệt. “Đến lúc ra về, chú dắt tay tôi đi ra cửa chầm chậm để dặn dò. Chú dắt tôi ra rồi dắt trở vào, rồi lại dắt trở ra. Cứ thế đến sáu lần, mặc cho rất nhiều người đang ngồi chờ cơm chú ở phía trong...". Thử hỏi có Tổng Bí thư nào như vậy không? – bà Nguyệt xúc động kể và trong đôi mắt ấy những kỷ niệm của học sinh miền Nam với chú Mười đến giờ vẫn còn nguyên.
“Nghe chú mất, buồn lắm, thương lắm. Chú Mười, phải nói là một con người tất cả vì dân, đặc biệt đối với con em miền Nam trên đất Bắc. Chú giản dị, nói là làm, kiên quyết, sống tình cảm…” - bà Nguyệt sụt sùi.
Chào chúng tôi để ra bắt xe buýt về cho kịp, nắng tan mềm trên vai người phụ nữ đã đi qua xế dốc cuộc đời...
Cô học trò miền Nam năm nào giờ đây tóc đã gần như bạc trắng. Chú Mười của học sinh miền Nam ngày nào giờ đã đi xa sau những năm tháng miệt mài đau đáu vì lòng dân, vận nước. Nhưng ký ức về một chú Mười giản dị, gần gũi sẽ theo bà suốt cả cuộc đời.