Những ngày cuối cùng
Những lời cuối cùng của ông Vũ Huy Hoàng trong phiên toà thật ám ảnh: Mong hội đồng xét xử "giúp tôi tạo điều kiện thời gian còn lại cố gắng sống tốt hơn, xứng đáng với tư cách một công dân".
Ông Hoàng đến toà phải có người dìu và thậm chí ngồi không vững trên ghế bị cáo.
Năm nay, cựu Bộ trưởng Công thương cũng đã 67 tuổi.
Nếu ông Hoàng phải chịu mức án 10-11 năm tù như đề nghị của VKS, thì "thời gian còn lại" của ông để "sống xứng đáng với tư cách của một công dân", sẽ còn lại bao nhiêu?
Kể cả thời gian ấy còn dài, thì những ngày cuối cùng ấy, ông sẽ sống xứng đáng thế nào, ung dung hay dằn vặt?
Ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin truyền thông cũng đã 67 tuổi. Ông Son, ông Hoàng có những xuất phát điểm khác nhau, phạm tội khác nhau, nhưng khi họ phải nói lời cuối cùng trong một phiên toà, thì lại khá giống nhau: "Mong hội đồng xét xử cho bị cáo được sống, và sau những năm tập trung cải tạo, bị cáo được trở về sống với vợ, con, các cháu, họ hàng, đồng đội, bạn bè trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình".
Với bản án tù chung thân, con đường trở về của ông Son sẽ thế nào?
Đừng nghĩ những lời cuối cùng đó là kịch bản giống nhau, bởi vì nó xuất phát tự nơi sâu thẳm nhất của những người đã nếm trải tận cùng cay đắng. Cuối cùng, ai cũng mong cầu bình an, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, ốm đau hay khoẻ mạnh. Khi tâm tham nổi lên, họ đã đánh mất bình an mà không biết.
Người có vị trí thường lo rất xa để chuẩn bị cho mình "vinh thân phì gia", nhưng thực ra thì họ mới chỉ làm mọi cách để "phì gia" kể cả khi hạ cánh. Bao nhiêu người có chức, có quyền nhưng mấy ai sống được cuộc đời vinh thân – theo nghĩa vinh hiển?
Cha ông đã dạy "ăn thịt bò lo ngay ngáy, ăn thịt cáy ngáy o". Phải ở trong hoàn cảnh "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại" mới thấm thía châm ngôn ấy.
"Lỡ xảy ra chuyện gì ân hận không kịp"
Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch TP.HCM đã có một phát biểu rất chân thành: Dứt khoát dừng bắn pháo hoa dịp 30.4 để phòng Covid vì "lỡ xảy ra chuyện gì ân hận không kịp".
Sự nghiệp và di sản của một chính khách tồi, cũng giống như pháo hoa, thăng hoa một chút rồi vụt tắt.
Ông Đinh La Thăng đã từng là một ngôi sao, nhưng bây giờ, tin tức về ông trong những phiên toà dày đặc, mấy ai còn quan tâm đọc?
Ngay ở những nước văn minh nhất, nghiêm minh nhất, vẫn không thể triệt tiêu hết chính khách tồi, người tham nhũng, kẻ độc ác với đồng loại, vì tâm tham luôn nằm sâu ở trong mỗi con người, chỉ chờ thời cơ trỗi dậy.
Chính vì vậy, bên cạnh sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật, không thể thiếu sự giám sát chặt chẽ về mặt lương tâm.
Nếu trong căn phòng kín, khi nhận túi quà chứa 200.000 đô la hối lộ, ông Trương Minh Tuấn sực tỉnh mà nói với lương tâm mình giống câu ông Nguyễn Thành Phong đã nói "lỡ xảy ra chuyện gì ân hận không kịp", thì chưa chắc cuốn sách "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hoá" của ông, đã vận vào chính ông đau đớn như vậy.
Trên diễn đàn Quốc hội, cựu Bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son đã từng nhấn mạnh về việc kỷ cương phép nước không nghiêm, về biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống là tiếng chuông cảnh tỉnh cho xã hội.
Tiếng chuông cảnh tỉnh này đã không vang lên một cách mạnh mẽ và thức tỉnh khi ông nhận va li tiền chứa đến 3 triệu đô la, trong một căn phòng không có tai vách mạch rừng, chỉ có ông và người hối lộ.
Cả ông Tuấn và ông Son khi cầm tiền, có lẽ đều nghĩ rằng việc mình làm, sẽ chẳng có ai biết, đều nghĩ rằng, mọi việc sẽ trót lọt theo đúng quy trình. Nếu biết chắc chắn 100% mấy năm sau mình sẽ vào tù, sẽ ê chề, sẽ từ người rao giảng đạo đức trở thành tội đồ, chắc chắn không ông nào dám đánh đổi.
Cho nên, những người tin vào nhân quả thực sự thì không bao giờ nghĩ rằng một việc nào đó, dù kín đến mấy, chỉ có anh biết, tôi biết. Họ hiểu rằng đã làm bất cứ việc gì thì đều có "trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết".
Phạm vào nhân quả, kể cả một mình mình làm bậy, quy luật cũng tính sổ. Nhân quả muôn vàn nẻo đường. Có những người làm bậy thoát khỏi vòng lao lý, nhưng lại bị quả báo ở sức khoẻ, gia đình, danh dự, bất an, đau khổ…
Toà án công lý dẫu có nghiêm minh đến mấy, cũng không có sức nặng bằng toà án lương tâm. Bản án lâu năm nhất, rồi cũng có thời hạn kết thúc, nhưng bản án hối hận thì không. Rào cản pháp luật có chặt chẽ đến mấy cũng không thể sánh bằng rào cản lương tâm, vì một cái đến từ bên ngoài, một cái đến từ bên trong chúng ta.
Xây dựng cho mình một sự thức tỉnh về lương tâm, về nhân quả, mới là gốc rễ để cuộc đời không đi đến chỗ khốn đốn. Giống như một người phương Tây cực kỳ văn minh và sạch sẽ, dù có đi du lịch đến một đất nước mà môi trường bẩn thỉu, cảnh sát không bắt phạt người làm bẩn, thì họ cũng sẽ không tuỳ tiện xả rác ra đường. Rào cản lương tâm sẽ không thoả hiệp với họ. Sự xấu hổ với chính mình cao hơn rất nhiều sự xấu hổ với người khác.
Với những người đẳng cấp, một lời hứa nặng tựa ngàn cân. Nếu thất hứa, chẳng có chế tài luật pháp nào xử lý, nhưng thâm tâm sẽ mang họ ra xét xử. Ở các nước phát triển, nhiều người ỷ lại có thể sống bằng trợ cấp thất nghiệp, nhưng người tự trọng thì không, vì họ tự thấy điều đó là sỉ nhục.
Nhiều người có địa vị, chộp lấy mọi thời cơ để những chữ ký bằng bút, chữ ký bằng miệng, chữ ký bằng sự làm ngơ của mình, biến thành lợi lộc. Thậm chí trong những "chuyến tàu vét" của "hoàng hôn nhiệm kỳ" họ cũng không ngần ngại đặt bút để vẽ lên những chữ ký lợi mình hại dân.
Sau những chữ ký đó, mức độ "phì gia" của họ sẽ nâng lên một vài bậc, nhưng họ không biết, mình vừa chính thức ký vào sổ nhân quả. Chữ ký ấy, không thể gột rửa, không thể phù phép vì "lưới trời lồng lộng, thưa nhưng không lọt".
Và di sản để lại của họ, không chỉ cứa những vết thương tê tái cho đất nước, mà còn đào sẵn hố bất an, đau đớn cho mình và gia đình.
Quyền càng cao, chữ ký càng bậy thì di sản nhân quả càng nặng.