Chủ đầu tư điện gió La Gàn 10 tỷ USD là ai?

Khánh An |

Với chi phí vốn lên đến 10 tỷ USD, dự án điện gió La Gàn khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm và giúp giảm thiểu 130 triệu tấn khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

CTCP phát triển dự án điện gió La Gàn, đơn vị phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận mới đây đã ký 4 bản Ghi nhớ về việc hợp tác cung cấp móng cọc và cảng hậu cần.

Các bản ghi nhớ này được ký kết với 4 nhà thầu tại Việt Nam gồm: Tập đoàn CS Wind, Công ty TNHH MTV dịch vụ cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C), Công ty cổ phần xây lắp dầu khí miền Nam (Alpha ECC) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án, chương trình hợp tác tiêu biểu giữa hai nước Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Với công suất tiềm năng là 3,5 GW và chi phí vốn lên đến 10 tỷ USD, đây sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, giúp nâng vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực và trên thế giới.

Khi hoàn thành và đi vào hoạt động hết công suất, dự án dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm và giúp giảm thiểu 130 triệu tấn khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , CTCP phát triển dự án điện gió La Gàn (tên viết tắt LaGan Wind) được thành lập vào cuối năm 2020 với số vốn điều lệ ở mức 23,21 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm CTCP Năng lượng Dầu khí Châu Á (Asiapetro, 5%), quỹ CI NMF I COOPERATIEFU.A (thuộc Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP, nắm giữ 91%) và Công ty TNHH Novasia Enegry (4%).

Doanh nghiệp này có 3 người đại diện theo pháp luật, là ông Niels Christian Holst (quốc tịch Đan Mạch) - Chủ tịch HĐQT, bà Maya Binte Malik (Australia) - Tổng giám đốc và ông Đặng Quốc Toản - Thành viên HĐQT.

Trong đó, CIP là nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và đã huy động được hơn 14 tỷ USD thông qua một số quỹ tập trung vào năng lượng tái tạo. Với Quỹ Thị trường mới I (CI New Markets Fund I), CIP nhắm vào các nền kinh tế mới, đang phát triển nhanh và hiện tập trung mạnh vào Việt Nam.

Chủ đầu tư điện gió La Gàn 10 tỷ USD là ai? - Ảnh 1.

Về phía doanh nghiệp trong nước, Asiapetro được thành lập vào tháng 2/2008, trụ sở chính đặt tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM và đăng ký hoạt động trong nhiều lĩnh vực là sản xuất, mua bán cồn, dầu sinh học, xây dựng công trình, tư vấn đầu tư,... Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật tại đây là ông Đặng Quốc Toản (SN 1973).

Ngày 14/7/2017, công ty này tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, mặc dù chi tiết cổ đông không được đề cập, song dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện, vào ngày 20/9/2018, ông Toản cùng bà Diệp Thanh Hải đã lần lượt đăng ký đảm bảo 15% vốn thuộc sở hữu tại Asiapetro. Bên nhận đảm bảo là Novasia Enegry.

Trên trang chủ, Asiapetro cho biết mục tiêu của doanh nghiệp là “phát triển thành công các dự án năng lượng tái tạo và đánh thức tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Asiapetro có khát vọng phát triển thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”.

Dẫu vậy, trong giai đoạn 2016-2019, Asiapetro (công ty mẹ) vẫn chưa phát sinh doanh thu và liên tục lỗ thuần. Riêng năm 2019 doanh nghiệp này lỗ thuần hơn 644 triệu đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Asiapetro đạt mức 99,4 tỷ đồng.

Ngoài Asiapetro, doanh nhân Đặng Quốc Toản còn đứng tên tại Công ty TNHH Điện gió Duyên Hải (Duyên Hải WPC) – thành lập từ cuối năm 2017 với vốn điều lệ 40 tỷ đồng, thành phần cổ đông góp vốn gồm Asiapetro (5%) và UNISON CO,.LTD (trụ sở Hàn Quốc nắm giữ 95%).

Đến tháng 7/2018, Duyên Hải WPC giảm vốn điều lệ xuống còn 2 tỷ đồng, lúc này Asiapetro lại nắm quyền chi phối với tỷ lệ lên đến 95%, còn UNISON sở hữu 5% cổ phần còn lại.

Duyên Hải WPC là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Duyên Hải có công suất 48MW (bao gồm 12 turbin gió, mỗi turbin 4MW); diện tích sử dụng khoảng 1.200ha tại tỉnh Trà Vinh.

Giai đoạn 1 của dự án đã được khởi công vào tháng 4/2019, dự kiến sẽ có tổng mức đầu tư là 100 triệu USD, tương đương trên 2.000 tỷ đồng Việt Nam; trong đó vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 20%, còn lại 80% là nguồn vốn vay ngân hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại