Những ngày qua, người dân huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) quan tâm đến chuyện giám đốc doanh nghiệp vừa đi tù về đã tham gia vào vụ dọn đồ của người khác ra khỏi villa được anh Trần Văn Sáng (34 tuổi, ngụ Phú Quốc) thuê hợp pháp tại xã Dương Tơ. Người này là ông Bùi Quang Công, giám đốc Công ty TNHH Bảo Quân.
Cuối năm 2018, ông Công từng được dư luận "đặc biệt quan tâm" khi được thẩm phán Trương Quốc Triều, Chánh án TAND huyện Phú Quốc, ký giấy hoãn thi hành án tù hai lần.
Anh Sáng nêu bức xúc khi đang ở villa thuê 25 triệu đồng mỗi tháng thì bất ngờ bị đuổi ra vỉa hè.
Sau khi xảy ra chuyện "lùm xùm", ông Công chấp hành án 9 tháng tù về tội tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Ra tù được vài tháng, ông Công tiếp tục trở thành người "nổi tiếng" ở đảo ngọc khi chưa bị xóa án tích. Còn người liên quan đến việc tranh chấp tài sản anh Sáng thuê là ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại M.E.
Từ tài xế trở thành giám đốc
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cấp ngày 30/6/2014 (đăng ký thay đổi lần 4) thì Công ty TNHH Thương mại M.E có trụ sở chính tại ấp Cử Lấp, xã Dương Tơ, Phú Quốc. Trên giấy tờ thì công ty có vốn điều lệ 500 triệu đồng, có 2 thành viên là ông Bùi Minh Tuấn (9% vốn) và ông Erhard Kuester Kustre (quốc tịch Đức, chiếm 91% vốn).
Bà Vũ Thị Hương (56 tuổi, ngụ Long Biên, Hà Nội) là người được UBND huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BV898083, diện tích 1.360,8 m2 thuộc thửa đất số 4, tờ bản đồ số 15 (tài sản anh Sáng thuê). Bà cho biết mình là vợ ông Kuester Erhard.
Hơn chục năm trước, khi hai người chưa tiến đến hôn nhân thì ông Kuester Erhard có đến Phú Quốc làm bạn với bà Michelle Thong Fong Yee (còn gọi là Michelle).
Căn villa anh Sáng thuê đã bị khóa cửa.
Khi ông Kuester Erhard mua khu đất được đề cập ở trên thì một người quen nói rằng Tuấn có chơi thân với doanh nghiệp xây dựng là ông Công. Từ đó, Kuester Erhard nhờ ông Tuấn giới thiệu để mình thuê Công ty Bảo Quân xây dựng villa.
"Tuấn lúc đó là tài xế của bạn anh Kuester Erhard. Do chồng tôi làm Tổng giám đốc một công ty năng lượng ở Hà Nội nên đã bàn với Michelle thành lập ra Công tyTNHH Thương mại M.E và Michelle làm Giám đốc. Anh Kuester Erhard chuyển tiền đầy đủ cho cô này qua ngân hàng để trả tiền xây dựng cho Công ty Bảo Quân", bà Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, Công ty Bảo Quân xây dựng đến đâu, Kuester Erhard gửi tiền trả dứt điểm đến đó.
"Khi chuyện tình cảm của chồng tôi với Michelle không thành thì Kuester Erhard cho cô ấy mảnh đất khác, còn mảnh đất được Công ty Bảo Quân xây villa thì chồng tôi kêu bán với giá 1 triệu USD. Lúc đó, ông Quân và Tuấn nói để các ông ấy bán với giá cao hơn nhưng vài tháng sau vẫn không bán được.
Chồng tôi sau đó làm hồ sơ để làm lãnh đạo Công ty M.E thì Tuấn nói để ông ấy làm giúp và đứng tên 10% vốn chứ người nước ngoài thì không thể đứng tên được. Trên giấy tờ Tuấn có 10% nhưng thật ra ông ấy không có đồng nào trong công ty", người phụ nữ tuổi ngũ tuần chia sẻ.
Giấy đăng ký kinh doanh của Công ty M.E thể hiện ông Tuấn có 9% vốn.
Cũng theo bà Hương thì chồng có 2 miếng đất ở Phú Quốc. Khi chia tay Michelle thì Kuester Erhard cho cô này một miếng, còn lại cho ông Tuấn mượn kinh doanh. Khi đó, chồng bà cũng không muốn dính líu gì về đất đai ở Phú Quốc nên giao cho vợ là bà Hương đứng tên giùm trên mảnh đất 1.360,8 m2.
"Sau khi cho ông Tuấn mượn kinh doanh thì ông Công có nói gì đâu. Mỗi lần tôi ra, Công lấy xe đưa đón nhưng sau đó lại nghĩ ra chuyện Công ty M.E còn nợ tiền xây dựng 4 tỷ đồng rồi làm đơn kiện.
Phía công chứng và Phòng Tài nguyên - Môi trường Phú Quốc khi đó nói theo Luật Dân sự mà quá 2 năm mà không đòi nợ thì không còn thời hiệu để khiếu kiện gì. Vậy là phòng công chứng không đồng ý giải quyết đơn kiện của Công.
Vì thế Tuấn mới kiện, nói có 10% trong công ty, vu khống tôi rằng Công ty M.E bán tài sản cho bà Hương vì bà Hương hứa chuyển 10 tỷ nhưng rồi không chuyển. Tuấn viết câu chuyện vu khống như là thật. Tôi phải viết tờ tường trình gửi cho tòa án. Tôi yêu cầu họ phải trọng chữ hơn trọng cung, chứ không thể để Tuấn nói lung tung trong khi tôi có giấy tờ đầy đủ", bà Hương khẳng định.
Cũng theo bà Hương thì khi ông Tuấn thua kiện, TAND tỉnh Kiên Giang hủy bỏ quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời để bà giao dịch chuyển nhượng tài sản cho ông Bùi Văn Thảo (ngụ Hà Nội). Lúc đó, hợp đồng anh Sáng thuê nhà và đất của vợ chồng bà Hương còn hiệu lực (đến năm 2000) nhưng anh Sáng thận trọng hơn nên ký tiếp hợp đồng thuê villa với chủ mới là ông Thảo.
Cảnh sống tạm bợ của 3 đứa con của anh Sáng khi bị người lớn đẩy ra vỉa hè.
Người bị đuổi ra khỏi villa có quyền làm đơn tố cáo
Trò chuyện với báo chí, ông Bùi Văn Thảo (được bà Hương bán đất) nói rằng có nghe chuyện ông Công cho người "chiếm giữ" tài sản đã được ông cho anh Sáng thuê hợp pháp. Theo ông Thảo, vợ chồng bà Hương rất tốt, trí thức.
"Thật ra Công, Tuấn ngăn chặn từ 2 năm trước nhưng không được. Ở góc độ pháp lý thì họ sai nhiều lắm. Thứ nhất là tài sản đó giờ là của tôi, ai tranh chấp thì nhờ pháp luật can thiệp chứ không thể hành xử như ông Công . Nhà này xây gần 10 năm trước thì làm sao có chuyện không trả tiền mà ông Công không đòi. Đến lúc người ta giao dịch, bán cho người khác thì đòi. Về mặt thời gian thì vô lý bởi nếu có cho người ta nợ thì phai đòi ngay chứ.
Thứ hai là chúng tôi là những người hiểu biết nhau, người bán cho tôi rất đàng hoàng. Khi họ nhờ công an địa phương đến để lấy tài sản là sai bởi tài sản không hoàn toàn của mình mà chiếm là vi phạm. Đặc biệt là khi tôi không có mặt ở Phú Quốc và Việt Nam mà họ lại đến chiếm", ông Thảo tỏ ra bức xúc.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó văn phòng Luật sư Vạn Lý (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) phân tích rằng đất trước đây đứng tên bà Hương nên ai vào xây dựng thì phải có sự đồng ý của bà Hương, nếu không thì công trình trái phép. Khi được sự đồng ý của bà Hương thì tài sản sau khi hình thành trên đất có dịch chuyển hay ai vào sử dụng cũng phải có ý kiến bà Hương.
"Bây giờ đất chuyển cho chủ mới thì muốn làm gì trên đất đó cũng phải hỏi chủ. Còn ông doanh nghiệp nào đó chuyển đồ anh Sáng ra khỏi căn villa thuê của ông Thảo thì người đó sai. Anh Sáng có quyền làm đơn tố cáo và cơ quan công an phải có trách nhiệm xem xét có dấu hiệu hình sự và hành vi gì là cụ thể", luật sư Đức nêu quan điểm.
Bàn thờ mẹ vợ anh Sáng cũng cùng chung số phận.
Chiều 30/4, phóng viên có mặt trước căn villa được ông Công "chiếm giữ". Cổng rào khóa, bên ngoài vỉa hè là cuộc sống tạm bợ của gia đình anh Sáng. Trong đó tội nhất là 3 đứa con học mẫu giáo cho đến lớp 6 tá túc trong mái lều ẩm thấp, nóng nực khi trời nắng và dột ướt hết áo quần khi mưa.
"Tối hôm qua mưa, các con tôi ướt hết quần áo. Vợ chồng thức nửa đêm che chắn và ôm con vào lòng để chúng ngủ tạm. Ở đây tôi sợ nhất là rắn lục, sợ nó bò sang cắn các cháu", chị Nguyễn Thị Thêu (vợ anh Sáng) nói trong nước mắt.
Theo chị Thêu, ông Công nói chị cùng dọn đồ với nhóm người ông ấy đưa lại là sai. Chị không bao giờ chịu di dời nhưng vì bị ép buộc và chỉ có người của ông Công dọn đồ đạc của gia đình chị đưa ra ngoài villa.
"Bàn thờ mẹ tôi được nhóm trên 20 người kêu con tôi ôm ra ngoài. Tụi nhỏ biết gì. Giờ bàn thờ mẹ phải để ở túp lều vỉa hè. Họ ác với gia đình tôi quá", người phụ nữ quê Nam Định vừa nói vừa khóc.