Mồ côi tội lắm ai ơi!
Lê Thị Thùy Trang, Lê Thị Thiết Điểm, Lê Thị Oanh Thư và Lê Ngọc Thanh (xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là những cái tên mà 8 năm trước làm cho nhiều người tại xã An Phú không cầm được nước mắt bởi chưa đầy 1 năm mà các em phải mất cả cha lẫn mẹ.
Vợ chồng anh Lê Văn T. và chị Nguyễn Thị Th. đến với nhau trong cảnh cơ hàn. Mặc dù lao động vất vả, đời sống thiếu thốn nhưng anh chị rất đỗi hạnh phúc khi mái ấm của mình lần lượt chào đón 4 đứa trẻ.
Cuộc sống cứ vậy bình lặng trôi trong tiếng cười ngập tràn căn nhà có 6 thành viên, cảnh nghèo vá trước đụp sau nhưng không ai ca thán. Anh chị tự nhủ sẽ làm lụng chăm chỉ để các con được học hành tới nơi tới chốn.
Cảnh đời nghiệt ngã, năm 2013, một tai nạn trên biển khi đi làm thuê cho một tàu cá đã cướp đi anh T. - người đàn ông trụ cột của gia đình. Lúc ấy, đứa con trai út Lê Ngọc Thanh chưa đầy 3 tuổi. Mặc dù rất đau buồn, nhưng các con là niềm vui giúp chị Th. vượt qua khó khăn để làm lụng nuôi con.
Hàng ngày chị Th. đi cùng làng cuối xóm tìm việc. Ai thuê gì chị làm nấy, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng chị vẫn âm thầm làm việc không một lời ta thán. Nhiều lần chị phải nuốt nước mắt vào lòng khi nhìn cảnh các con thiếu thốn vật chất cũng như mái ấm thiếu đi tình thương yêu của người cha.
Càng thương các con, chị Th. càng ra sức làm việc để rồi, một buổi chiều năm 2014 khi trời vừa tắt nắng, chị nhận hung tin bị ung thư và sau vài tháng chị ra đi trong niềm khắc khoải bởi số phận của 4 đứa con đang tuổi trưởng thành.
Nỗi đau một lần nữa ập đến trong ánh mắt ngác ngơ của 4 đứa trẻ. “Mồ côi tội lắm ai ơi! Đói cơm, khát nước biết người nào lo”. Câu ca dao buồn nghe mà nhói lòng.
4 đứa trẻ sau đó chuyển về sống cùng ông bà ngoại đã gần 80 tuổi già yếu, cùng gánh hàng rong chật vật qua ngày.
Trước đây bố mẹ còn sống các em đã có một gia đình hạnh phúc, tuy nghèo nhưng Trang, Điểm và Thư chỉ chuyên tâm vào việc học hành, bao nhiêu nỗi cơ cực khó khăn trong cuộc sống, bố mẹ đều gánh vác. Bây giờ bố mẹ đã không còn nữa nên các em phải tập làm quen với công việc hàng ngày để chăm sóc bản thân, chăm em trai khi mẹ mất mới 4 tuổi và đỡ đần ông bà già yếu.
Từ khi mất cả cha mẹ, những tưởng cuộc sống và con đường học tập của Thanh và 3 chị gái sẽ rơi vào bế tắc, thế nhưng các em vẫn học hành đến nơi đến chốn nhờ bàn tay tảo tần của ông bà ngoại và sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Hai chị lớn của Thanh tên Lê Thị Thùy Trang (21 tuổi) và Lê Thị Thiết Điểm (20 tuổi), hiện đang học tại Đại học Quy Nhơn. Để trang trải cho việc học, Trang và Điểm phải làm thêm để đóng tiền học phí. Còn Lê Thị Oanh Thư (15 tuổi, học lớp 10 trường THPT Lê Thành Phương) đang sống với bà ngoại.
Thiếu úy Lê Vũ Anh Hoài là một người anh nuôi của Thanh. Hằng ngày dạy Thanh học bài, lo ăn uống,..
Vào tháng 12/2009, từ khi biết hoàn cảnh của 3 chị em Thanh, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã đến ngỏ lời với ông bà ngoại, xin nhận Thanh làm con nuôi, đón em về chăm lo trong sự yêu thương, ấm áp của những người anh, người cha.
Gần 3 năm kể từ ngày Thanh về đơn vị, những người lính Biên phòng đã quen với sự có mặt của một cậu bé nhỏ nhắn và coi Thanh như một thành viên của đơn vị. Từ chỗ thương cảm cho hoàn cảnh đứa trẻ thiệt thòi đến yêu thương, tình cảm của người lính dành cho Thanh cứ thế được bồi đắp, lớn dần theo từng ngày.
Những buổi đầu bỡ ngỡ, nhút nhát, thế nhưng đến thời điểm hiện tại mọi sinh hoạt, tác phong của cậu bé 12 tuổi đã thành thục, nề nếp giống hệt một chú “bộ đội con” thực thụ. 5 giờ sáng, Thanh thức dậy cùng tập thể dục với các chú bộ đội, vệ sinh cá nhân, rồi chuẩn bị đi học; những lúc rảnh rỗi cũng phụ giúp các chiến sỹ tăng gia, hoạt động thể thao...
Thiếu úy Lê Vũ Anh Hoài - Đội phó đội vận động quần chúng, người được giao nhiệm vụ kèm cặp, chăm sóc Thanh - chia sẻ: "Thanh rất nghe lời và ngoan ngoãn. Thông minh và tiếp thu nhanh, Thanh nhớ tên hết gần 60 anh em chiến sĩ của đồn. Bây giờ, mọi công việc: giặt quần áo, xếp mền mùng... tự bản thân Thanh đã làm được hết nên mọi người rất yên tâm. Ở đây các chiến sĩ làm gì là Thanh làm đó”
Ước mơ làm bộ đội của cậu bé mồ côi
Để tạo điều kiện tốt nhất cho Thanh được học tập, Ban Chỉ huy Đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp quỹ; vận động các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm ủng hộ cặp sách, quần áo mới, đồ dùng học tập, xe đạp... để hỗ trợ Thanh đến trường.
Tham gia nhổ cỏ, tăng gia sản xuất cùng đơn vị
Thanh năm nay học lớp 7, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (phường 9. TP. Tuy Hòa). Trước đây đường đến trường của Thanh rất gian nan khi ông bà và các chị phải chật vật lo từ cuốn sách, tập vở.
Hiện tại được ăn ở trong đồn, đoạn đường đi tìm cái chữ đã bớt gian nan. Được thiếu úy Hoài chở đi học, đón về, chở đi chơi, thỉnh thoảng những ngày cuối tuần không phải đi học, Thanh lại trở về nhà thăm ngoại và chị gái.
Cậu bé Thanh trên môi luôn nở nụ cười khi gặp người lạ, bẽn lẽn nói: “Ở đây vui lắm, khi buồn có các chú tâm sự. Nhiều khi cũng nhớ nhà, nhớ ba má nhưng nhớ rồi thôi chứ ba má chết rồi, có gặp lại nữa đâu. Lớn lên em muốn làm bộ đội để ở với các chú được lâu hơn”
Thiếu úy Hoài là người ở cùng phòng với Thanh, là người dạy học, lo cho Thanh từ miếng ăn tới giấc ngủ. Thanh gọi thiếu úy Hoài bằng một cái tên thân thương là “anh nuôi”.
“Từ khi bé Thanh vào ở tại đơn vị, được sự quan tâm, chỉ dạy của các chiến sĩ thì 3 năm liên tiếp, Thanh được học sinh tiên tiến. Đơn vị cũng rất vui vì thành tích học tập này của con” - Thiếu úy Hoài chia sẻ.
Nghĩa cử của những chiến sỹ biên phòng đã khỏa lấp được sự trống trải trong tâm hồn đứa trẻ.
Nghĩa cử của những chiến sỹ biên phòng đã khỏa lấp được sự trống trải trong tâm hồn đứa trẻ. Thanh đã có những người cha mạnh mẽ ở trong tim. Các chú vẫn thường đưa cháu đi chơi, đi tập xe, đánh bóng chuyền, tắm biển vào những buổi chiều hè. Những cơn sóng gói cả ước mơ được làm bộ đội của một đứa trẻ mồ côi ra biển lớn…