Hình ảnh đội ngũ nhân viên mở cửa xe, che ô rồi dẫn đường và tiễn khách, chắc hẳn bạn đã gặp qua ở nhà hàng, khách sạn sang trọng. Và có lẽ đây cũng là một “tiêu chí” để phân biệt với hàng quán tầm trung hay bình dân.
Thế nhưng, với những ai hay đi qua đoạn đường Đào Tấn (Hà Nội) thì chứng kiến những khoảnh khắc nói trên như cơm bữa. Chỉ có điều, địa điểm cũng như người thực hiện lại trái ngược với suy nghĩ của mọi người.
Bởi, ở đó có sự xuất hiện của một người đàn ông đứng tuổi, mặc chiếc áo màu đỏ, đội thêm mũ lưỡi trai đã sờn. Tuy nhiên, gây ấn tượng đặc biệt chính là nụ cười hiền hậu thường trực.
Bảo vệ... không chỉ trông xe
Thấy ô tô đang đi chầm chậm trước quán, chú nhanh nhẹn chạy tới xác nhận rồi ra hiệu cho xe đỗ tại chỗ quy định một cách rất thuần thục. Hay là với những khách hàng chạy xe máy, chú sẽ sắp xếp những chỗ đỗ ở dưới tán cây, hoặc trong bóng ô râm mát.
Giữa cái nắng chói chang trời Hà Nội lúc giờ trưa, trong tay chú lúc nào cũng sẵn sàng một chiếc ô. Chỉ cần khách vừa tới là được che và đưa vào tận cửa quán. Thấy bóng khách đang thanh toán sắp xong và chuẩn bị bước ra, chú lại cầm ô, đứng chờ sẵn ở cửa. Đi ăn mà cảm giác nắng không tới nơi, mưa không ướt đầu như thế này, quả thật không còn gì tuyệt vời hơn.
Vậy mà, không dừng ở việc phục vụ tận tình cho thực khách, đến cả những chiếc yên xe cũng được chú bảo vệ này “chăm sóc” cực kỳ chu đáo. Trước khi phủ những tấm bạt chống nắng lên yên xe, chú đều cẩn thận trải trước một chiếc khăn đã sấp nước.
Dù có đến đây lần đầu, hay lần thứ bao nhiêu, chưa biết đồ ăn hôm nay sẽ ngon hay dở nhưng chắc chắn rằng, sự chào đón nồng hậu của chú bảo vệ đã ghi điểm với mỗi khách hàng.
Anh Nam - một giảng viên đại học và cũng là khách “ruột” của quán: “Lý do lớn nhất khiến tôi thường xuyên tới ăn ở đây trong 3 năm qua là bởi chú bảo vệ này. Nếu tụ tập bạn bè, kể cả bạn trong nước hay ngoài nước, tôi đều đưa họ đến đây để được “tự hào” một chút, khiến họ trầm trồ vì kiếm được quán ăn xịn.”
“Có hôm tôi ăn xong mà trời mưa to, chú còn nhắc tôi cứ đứng yên trong nhà, đợi chú ra vẫy taxi, bao giờ có xe thì chú đem ô vào tiễn ra. Nhờ có sự chu đáo của chú bảo vệ mà mỗi bữa ăn ở của tôi cảm tưởng như ngon hơn gấp nhiều lần.”, chị Nga chia sẻ.
Nhiệt tình thành thói quen
Tìm hiểu thì được biết, chú bảo vệ có cách phục vụ tiêu chuẩn 5 sao này tên là Tuyến, quê ở Nam Định. “Trước kia tôi làm công nhân, sau này nghỉ hưu, thấy vẫn còn khỏe nên tìm công việc để vừa tránh ở nhà buồn chân buồn tay, lại vừa có thêm thu nhập lo cho bản thân khi già yếu.”.
Vào làm sau chú Tuyến vài tháng, một nhân viên của hàng bún chả chia sẻ: “Chú Tuyến làm bảo vệ ở đây cũng hơn 4 năm rồi và sự nhiệt tình chỉ có tăng lên theo thời gian. Mặc dù cửa hàng mình có yêu cầu nhân viên phải phục vụ thật tận tình với các khách hàng nhưng hiếm có người nào làm được như chú.”
“Thực ra công việc đứng ngoài trời gần như cả ngày mệt lắm chứ. Nhưng ai đi ngang qua chú cũng chào mời, tươi cười và tận tâm. Có khi khách vào cả đoàn, chú cũng vội chạy theo để đón đưa từng người, cố gắng không bỏ qua một ai. Nhiều lúc anh em trong bếp cứ trêu chú làm vì đam mê đấy. Ngoài đồ ăn thì chú Tuyến chính là “biểu tượng” của quán mình.”, lời nói tràn đầy sự ngưỡng mộ của nhân viên quán ăn.
Theo quy định của nhà hàng, một ngày chú Tuyến sẽ làm 2 ca, từ 10 giờ đến 14 giờ, sau đó từ 17 giờ đến 21 giờ 30. Thế nhưng, nếu hết ca mà vẫn có khách mới vào quán hay ăn chưa xong thì chú cũng không ngại tiếp tục công việc của một “bảo vệ tiêu chuẩn 5 sao”.
“Tôi đang ăn dở bát cơm trong kia nhưng thấy khách chuẩn bị ra ngoài, trời còn nắng quá, tôi không yên tâm được”, và thời điểm chú nói câu này đã là gần 3 giờ chiều.
Giọt mồ hôi hạnh phúc
Mặc dù hơi ngại chia sẻ về đời tư nhưng cứ hỏi đến công việc là chú Tuyến lại hào hứng hẳn lên. Vừa chia sẻ, chú cũng không quên để ý tình hình khách ra vào và sẵn sàng bỏ dở câu chuyện để chạy ra mở cửa tiễn khách.
“Tôi không cần mọi người phải cảm ơn, chỉ cần không ai từ chối để tôi mở cửa, che ô hay dắt xe giúp là vui rồi. Hạnh phúc hơn là có rất nhiều anh chị đã nhớ tới tôi và tới ủng hộ quán”, chú Tuyến nói.
Khi được hỏi tại sao không đem một chiếc quạt ra cạnh chỗ ngồi bên ngoài cho mát, chú Tuyến trả lời: “Tôi sợ mang quạt ra sẽ va quệt vào xe máy của khách trong lúc giờ cao điểm. Mà chỗ này cũng thoáng, tôi lại ngồi dưới ô, bên trên còn có tán cây che nên không sao cả. Mồ hôi ra thì hết ca đi tắm là được. ”
Làm nghề gì cũng cần có chữ "tâm"
Được phục vụ nhiệt tình tới tận khi ra về, chị Lan Anh nói: "Đi đến đâu mình cũng hay để ý tới thái độ của nhân viên nhưng mà có đôi khi, người nhân viên đầu tiên mình gặp mà để lại ấn tượng sâu sắc nhất lại chính là chú bảo vệ."
Anh Minh Trường: "Mình đã nhiều lần được nhân viên của các nhà hàng đón - tiễn nhưng dù họ có phục vụ chuyên nghiệp tới đâu thì cũng chỉ là nhân viên với khách hàng. Còn với chú Tuyến, thấy chú là mình cảm giác như người quen lâu năm đang đợi mình tới ăn cơm vậy."
Chú bảo vệ ấy đã và đang không chỉ làm rất xuất sắc công việc của bản thân mà còn cho thấy "cái tâm" với mỗi khách hàng và với nơi đang làm. Bởi, nếu hành động và trái tim không cùng hướng về một phương thì chắc chắn rằng sẽ chỉ thực hiện các công việc một cách máy móc và nguyên tắc, chứ không thể truyền được cảm xúc cho nhiều người đến như vậy.