Chốt hạ giờ G: Thương chiến Mỹ - Trung chuyển hướng giai đoạn mới

An Bình |

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, yên tĩnh hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong ngày thứ 4 (giờ Mỹ) sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Thỏa thuận Giai đoạn 1 sẽ tạm dừng 18 tháng xung đột thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD hàng hóa, làm rung chuyển thị trường tài chính, đảo chiều chuỗi cung ứng và làm chậm tăng trưởng toàn cầu.

Ông Trump và ông Lưu Hạc dự kiến sẽ ký vào tài liệu dài 86 trang tại một sự kiện ở Nhà Trắng trước hơn 200 khách mời từ các doanh nghiệp, chính phủ và giới ngoại giao.

Các bước đi trước giờ G

Một bản dịch văn bản sang tiếng Trung Quốc vẫn đang được hoàn thiện vào chiều thứ ba (giờ địa phương), khi ông Lưu Hạc gặp Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer.

Trọng tâm của thỏa thuận là một cam kết của Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hóa trị giá 200 tỷ USD trong hai năm để cắt giảm thâm hụt thương mại song phương với Hoa Kỳ - lên tới 420 tỷ USD vào năm 2018.

Một nguồn tin được biết về thỏa thuận nói với Reuters rằng Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hóa trị giá 80 tỷ USD của Mỹ trong thời gian hai năm, bao gồm máy bay, ô tô và phụ tùng xe hơi, máy móc nông nghiệp và thiết bị y tế.

Bắc Kinh sẽ tăng cường mua năng lượng trị giá khoảng 50 tỷ USD và dịch vụ thêm 35 tỷ USD, trong khi các sản phẩm nông nghiệp sẽ mua tăng 32 tỷ USD trong hai năm, tất cả con số này đều so với số liệu xuất khẩu năm 2017 của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, nguồn tin cho biết.

Mặc dù thỏa thuận này có thể là một cú hích lớn đối với nông dân, nhà sản xuất máy bay Boeing, các nhà sản xuất ô tô và thiết bị nặng của Hoa Kỳ, thì một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về khả năng Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác sang Hoa Kỳ.

Tôi thấy một sự thay đổi căn bản trong chi tiêu Trung Quốc là điều không thể. Tôi không kì vọng nhiều vào việc đạt được các mục tiêu đã nêu, Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư hàng đầu của Tập đoàn Leutkeep tại Minneapolis cho biết. "Nhưng tôi nghĩ rằng toàn bộ cuộc đàm phán đã đẩy quả bóng đi lên cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc".

Vấn đề thuế quan

Thỏa thuận Giai đoạn 1, đạt được vào tháng 12, đã hủy bỏ thuế quan theo kế hoạch của Mỹ đối với điện thoại di động, đồ chơi và máy tính xách tay do Trung Quốc sản xuất và giảm một nửa thuế suất, xuống 7,5%, đối với các mặt hàng khác của Trung Quốc trị giá khoảng 120 tỷ USD, bao gồm TV màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép.

Tuy nhiên, Washington sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với một lượng lớn hàng hóa và linh kiện công nghiệp Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD được sử dụng bởi các nhà sản xuất Hoa Kỳ.

Có bằng chứng đã cho thấy các mức thuế này đã làm tăng chi phí đầu vào cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ, làm xói mòn khả năng cạnh tranh của họ.

Nhà sản xuất động cơ diesel Cummins Inc cho biết vào thứ ba rằng thỏa thuận sẽ khiến họ phải trả 150 triệu USD thuế cho các động cơ và vật đúc mà họ sản xuất tại Trung Quốc.

Công ty đã ban hành tuyên bố vào ngày thứ ba: Chúng tôi tin rằng đây là một bước đi tích cực và vẫn lạc quan rằng tất cả các bên sẽ ở lại bàn đối thoại để tạo ra một con đường loại bỏ tất cả các mức thuế được thiết lập.

Ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin đã dập tắt những thông tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể xem xét có thể loại bỏ thêm thuế quan sau cuộc bầu cử vào tháng 11 của Hoa Kỳ. Hai quan chức này đưa ra một tuyên bố chung rằng không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng về việc giảm thuế trong tương lai.

Ông Mnuchin sau đó nói với các phóng viên rằng ông Trump có thể xem xét nới lỏng thuế quan nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng hướng tới ký kết thỏa thuận Giai đoạn 2.

Chưa chạm đến vấn đề cốt lõi

Thỏa thuận Giai đoạn 1 này bao gồm các cam kết của Trung Quốc về việc cấm chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc cũng như tăng cường bảo vệ cho sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.

Nhưng văn bản này chưa giải quyết các khiếu nại cốt lõi của Hoa Kỳ về các hoạt động thương mại và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, điều khiến chính quyền Trump gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thay đổi vào đầu năm 2017.

Thỏa thuận này không có điều khoản nào nhằm kiềm chế các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và cũng không giải quyết được các hạn chế về thương mại kỹ thuật số và các quy định an ninh mạng của Trung Quốc – điều đã gây khó khăn cho các công ty công nghệ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Ông Mnuchin và ông Lighthizer cho biết những vấn đề này là những ưu tiên chính của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán Giai đoạn 2 với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã đồng ý sẽ mở rộng lĩnh vực dịch vụ tài chính của mình cho các công ty Hoa Kỳ và không cố tình đẩy tiền tệ của mình xuống giá để đạt được lợi thế thương mại – điều khiến Bộ Tài chính Mỹ bỏ việc coi Trung Quốc là một bên thao túng tiền tệ.

Trong khi Trung Quốc đã đưa ra những cam kết như vậy trong quá khứ, một điểm khác biệt quan trọng mà chính quyền Trump đang hướng tới là một cơ chế thực thi để đảm bảo tuân thủ và giải quyết tranh chấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại