Liên quan đến vụ vỡ nợ hàng chục tỷ đồng ở Bắc Ninh, đại tá Vũ Xuân Lộc, Trưởng Công an huyện Yên Phong cho biết, tính đến sáng 27/8, có 37 người là nạn nhân trong vụ vỡ nợ ở xã Tam Đa đến cơ quan công an trình báo với tổng số tiền cho vay hơn 40 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Công an huyện Yên Phong, những người đến trình báo chủ yếu là người dân thôn Phấn Động.
"Công an huyện Yên Phong, Công an tỉnh Bắc Ninh đang tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh, làm rõ việc vay nợ giữa bà Hoàng Thị Khanh và bà Trần Thị Bích, giữa bà Khanh với người cho vay.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ anh ninh trật tự, phòng ngừa các vi phạm do đòi nợ, siết nợ trong vụ việc trên", đại tá Lộc nói.
Trước đó, ngày 14/8, bà Hoàng Thị Khanh (57 tuổi, ở thôn Phấn Động, xã Tam Đa) bất ngờ tuyên bố vỡ nợ khiến hàng xóm, thậm chí là người thân vô cùng hoang mang. Có thông tin từ người dân cho rằng, bà Khanh vay số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng để đầu tư làm ăn.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, có thể có vài trăm hộ đã đưa tiền cho bà Khanh vay, người ít cho vài chục, người nhiều có thể lên đến 5 tỷ đồng, có nhà cầm cố cả sổ đỏ cho vay.
Bà Khanh không chỉ huy động vốn của người dân địa phương mà còn ở những nơi khác.
Có hộ cho vay đến 3 tỷ với tờ giấy ký viết tay, không tài sản thế chấp. Ảnh: Hoàng An.
Trước sức ép của người đến đòi nợ, ông Hoàng Khắc Tr. (chồng bà Khanh) uống thuốc diệt cỏ, dẫn đến tử vong.
Đến ngày 20/8, bà Khanh làm đơn tố cáo lên chính quyền địa phương về việc đưa cho bà Bích (người cùng xã) số tiền 120 tỷ đồng và đưa làm 2 lần. Mục đích đưa số tiền này là để buôn gỗ.
Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Khanh lại khai chỉ cho bà Bích vay 80 tỷ đồng; bản thân mình vay của người dân 90 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong sổ theo dõi nợ của bà Khanh đối với bà Bích thì bà Bích chỉ xác nhận vay bà Khanh 17 tỷ đồng (có ký sổ) và bà Bích có đủ tài sản để thanh toán số tiền trên.
Đây là vụ việc khá phức tạp bởi không chỉ liên quan đến vay – cho vay lấy lãi cao mà có cả hoạt động của các dây chơi phường, hụi với hàng trăm người tham gia.
Nhiều người dân địa phương chơi hụi để dành dụm tiền. Tuy nhiên, sau khi lấy tiền hụi, họ không mang tiền về mà cho bà Khanh vay để lấy lãi.