Máy hút bụi thủ công đã có lịch sử ra đời từ cuối thế kỷ 19. Đến khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20, máy hút bụi đã được cải tiến như đã biết ngày nay. Nhưng phải đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ý tưởng robot hút bụi mới ra đời và dần được hoàn thiện cho đến ngày nay.
Khoảng vài năm trở lại đây, cùng với sự mọc lên như nấm của chung cư, robot hút bụi bỗng chốc trở thành mặt hàng được người tiêu dùng Việt Nam săn đón. Lý do, bởi sản phẩm này được quảng cáo dày đặc với khả năng hút bụi tự động giúp tiết kiệm đáng kể thời gian cho người sử dụng.
Trên thực tế, robot hút bụi ngày nay còn có chức năng lau nhà đem lại lợi ích tối đa cho người sử dụng. Sản phẩm này đã dần thay thế các loại máy hút bụi truyền thống nhờ nhỏ gọn, ít ồn và hiệu quả.
Máy hút bụi truyền thống có nhược điểm là dùng dây điện và ồn ào.
Theo đánh giá của người dùng, robot hút bụi rất tiện trong việc dọn sạch nhà cửa có mặt sàn rộng, gầm giường, gầm tủ nhưng gặp khó nếu có các chướng ngại vật lớn hoặc dễ bị kẹt nếu gặp vật cản nhỏ như đồ chơi trẻ em.
Do đó, sản phẩm này khá thích hợp để sử dụng ở chung cư hoặc nhà tầng mặt sàn rộng, chướng ngại vật không cao quá 15mm và độ nghiêng không quá 15 độ.
Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy robot hút bụi chưa chắc đã tiện lợi hơn máy hút bụi. Điểm tiện ích nhất của robot đó là khả năng lên lịch hút và tự động về điểm sạc khi gần hết pin, nghĩa là người dùng sẽ có ngay một căn nhà sạch bóng mỗi khi trở về nhà sau một ngày dài làm việc hoặc sau một buổi sáng thức dậy.
Ngoài ra, ở các dòng robot hút bụi cao cấp, nó có khả năng lập bản đồ để tránh đi lại chỗ cũ giúp tiết kiệm thời gian, di chuyển thông minh tránh các vật cản nhỏ, lực hút mạnh loại bỏ các vết bám dính trên sàn (trên 2000PA), phân biệt giữa thảm và mặt sàn cùng bộ lọc HEPA (tương tự của máy lọc không khí) để giữ lại bụi mịn.
Điều này khiến cho giá của robot hút bụi đương nhiên cũng đắt hơn đáng kể, dao động từ 3 - 6 triệu đồng. Ở mức giá cao hơn, người tiêu dùng càng không cần phải đắn đo về công năng và độ hiệu quả.
Robot hút bụi có khả năng lập bản đồ nhà để tối ưu thời gian hút bụi từ lần thứ 2 trở đi.
Vấn đề lớn nhất khi sử dụng robot hút bụi đó là người sử dụng phải vệ sinh thường xuyên (và đúng cách) chính cỗ máy này. Do hoạt động hút bằng cách xoay chổi cũng như phải di chuyển bánh xe liên tục, các vị trí này dễ bị vướng tóc và bị bẩn.
Ngoài ra, giẻ lau phải được thay (hoặc giặt) thường xuyên còn hộp đựng cũng phải được đổ bụi sau mỗi lần sử dụng để đảm bảo robot vận hành trơn tru.
Với nhà mặt đất muốn sử dụng robot hút bụi, có thể cân nhắc lựa chọn các dòng sản phẩm có pin trâu, bộ nhớ ghi được nhiều phòng để tiết kiệm thời gian hút bụi cho một lần sạc (do thời gian sạc pin tương đối lâu). Các nhà sản xuất hiện nay như Xiaomi, Ecovacs, iRobot, Neato đều có các mẫu mã từ rẻ tới đắt để người tiêu dùng lựa chọn.
Một lưu ý trước khi mua là người dùng nên chọn robot hút bụi theo diện tích mặt sàn, từ 3 - 6 triệu đồng với diện tích dưới 60m2 (mặt sàn) và trên 6 triệu đồng cho diện tích lớn hơn để tiết kiệm thời gian. Người dùng cũng nên lưu ý hút bụi trước rồi mới chỉnh chế độ lau để đạt hiệu quả làm sạch tối ưu.
Tất nhiên, robot hút bụi sẽ không thể thay thế hoàn toàn máy hút bụi. Để làm sạch bụi tối đa cho căn nhà, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng thêm máy hút bụi cầm tay có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Máy này thích hợp cho việc hút tóc, bụi bẩn trên ghế sofa, khe cửa, trên giường, mặt bàn, tủ hay thậm chí là trong ôtô với công suất phù hợp.