Hàng ghế nào trên máy bay an toàn nhất?
Khi đặt vé máy bay, có lẽ chúng ta chẳng mấy khi nghĩ đến việc chỗ ngồi nào an toàn nhất trong trường hợp khẩn cấp.
Hầu hết mọi người chọn chỗ vì sự thoải mái, chẳng hạn như chỗ để chân rộng hoặc lối đi gần vào nhà vệ sinh. Một số hành khách lại chọn vị trí càng gần phía trước càng tốt để xuống máy bay nhanh hơn. Hay đơn giản là họ chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ để ngắm cảnh.
Có một sự thật là nếu được lựa chọn, hiếm ai muốn chọn những hàng ghế cuối cùng. Thế nhưng, theo thống kê, những chỗ ngồi này hóa ra lại là vị trí an toàn nhất trên máy bay.
Vì sao lại như vậy?
Trước khi đi sâu vào vấn đề này, có một điều cần nhấn mạnh: Du lịch hàng không vẫn là phương thức vận chuyển an toàn nhất. Năm 2019, với 70 triệu chuyến bay trên toàn cầu, chỉ có 287 trường hợp tử vong.
Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số của Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ, tỷ lệ tử vong trên máy bay là khoảng 1/205.552, so với 1/102 đối với ô tô. Cũng chính vì vậy, chúng ta hiếm khi chú ý đến các vụ tai nạn ô tô ở đâu đó, nhưng khi một chiếc máy bay gặp nạn, nó sẽ là chủ đề chính trên mọi kênh tin tức.
Với tỷ lệ trên, bạn không cần phải lo lắng về vấn đề an toàn khi lên một chuyến bay thương mại. Nhưng nếu bạn vẫn e ngại, hãy tìm hiểu thông tin về chỗ ngồi an toàn nhất trên máy bay dưới đây.
Điều cần lưu ý là tai nạn không tuân theo bất kỳ quy luật nào. Trong vụ United Flight 232 gặp nạn năm 1989 tại thành phố Sioux, Iowa, 184 trong số 269 người trên máy bay đã sống sót. Hầu hết những người sống sót đều ngồi sau khoang hạng nhất, hướng đằng trước máy bay.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra của TIME xem xét dữ liệu tai nạn máy bay trong 35 năm cho thấy hàng ghế cạnh lối đi ở phía sau máy bay có tỷ lệ tử vong thấp nhất: 28%, so với 44% đối với hàng ghế cạnh lối đi giữa máy bay.
Điều này cũng hoàn toàn hợp lý. Ngồi cạnh hàng ghế gần cửa thoát hiểm sẽ giúp bạn luôn có lối thoát nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp, miễn là không có lửa ở phía đó. Trong khi khu vực giữa máy bay là nơi cánh máy bay dự trữ nhiên liệu, vì vậy nó không phải là nơi thoát thân hợp lý.
Tùy vào tình huống
Tùy vào tình huống khẩn cấp cũng sẽ quyết định khả năng sống sót của hành khách. Nếu đâm vào ngọn núi, dù bạn ngồi đâu cũng không thoát khỏi bi kịch. Giống như trường hợp thảm họa năm 1979 ở New Zealand, khi chuyến bay TE901 của Air New Zealand đâm vào sườn núi Mt Erebus ở Nam Cực, khiến 257 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Hạ cánh xuống đại dương bằng mũi trước cũng làm giảm cơ hội sống sót, điều đã xảy ra với chuyến bay 447 của Air France năm 2009, trong đó có 228 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Các phi công được đào tạo để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn trong trường hợp khẩn cấp tốt nhất có thể. Họ sẽ cố gắng tránh va phải núi và tìm nơi bằng phẳng, chẳng hạn như bãi đất trống, để hạ cánh đúng tiêu chuẩn.
Máy bay được thiết kế rất tốt trong các tình huống khẩn cấp. Trên thực tế, lý do chính mà phi hành đoàn nhắc nhở mọi người thắt dây an toàn không phải vì nguy cơ va chạm, mà vì hiện tượng nhiễu động không khí có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở độ cao lớn.
Chính hiện tượng thời tiết này là thủ phạm gây ra thiệt hại lớn nhất cho hành khách và máy bay.
Các nhà sản xuất đang thiết kế những chiếc máy bay mới với nhiều vật liệu composite có khả năng xử lý áp lực khi bay. Với thiết kế mới, cánh máy bay không bị bó cứng và có thể uốn cong để hấp thụ tải lực nhằm tránh hỏng kết cấu.
Mặc dù có sự khác biệt về mặt kỹ thuật và công nghệ của từng loại máy bay, tính chất vật lý của chuyến bay ít nhiều vẫn giống nhau.
Nói chung, máy bay càng lớn sẽ có nhiều vật liệu cấu trúc hơn và do đó có nhiều sức mạnh để chịu được áp suất ở độ cao lớn. Tính chất này giúp máy bay phần nào tăng lợi thế trong một số trong trường hợp. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng nếu trong trường hợp nghiêm trọng, sự khác biệt này sẽ không đảo ngược được tình thế.
Vì vậy, bạn cũng không nên nhất quyết phải đặt vé trên những chiếc máy bay lớn. Như đã nói, du lịch hàng không vẫn rất an toàn. Vì vậy, hãy thoải mái thưởng thức bộ phim nào đó trên chuyến bay của mình.