Liên quan đến hiện tượng cá chết bất thường dọc bờ biển của tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan ra Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế; theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì nguyên nhân có thể do độc tố.
Sự chú ý của dư luận tập trung vào đường ống dẫn nước thải đổ ra biển của nhà máy chế biến thép Formosa. Bởi vậy mà phát biểu “gây sốc” của đại diện tập đoàn này đã trở nên dậy sóng.
Dư luận nghi ngờ cách làm của Formasa có sự cẩu thả, sự cẩu thả ấy tuy không đủ sức giết chết cả đại dương, nhưng hàng ngày hàng giờ đầu độc để hủy hoại môi trường biển Việt Nam.
Là người đại diện cho tập đoàn Formasa, ông Chu Xuân Phàm đã phát biểu trước ống kính phóng viên kênh truyền hình VTC14, trong đó có nội dung “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”.
Ngay lập tức các diễn đàn đã bàn luật sôi nổi, hầu hết các ý kiến của người dân phản đối, họ tuyên bố “lựa chọn cá chứ không lựa chọn thép”.
Phát biểu của ông Chu Xuân Phàm không phải không có lý. Trong lịch sử phát triển của các quốc gia, nhất là thời kì diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp, đã từng có sự lựa chọn “phát triển hay môi trường”.
Ông Chu Xuân Phàm - Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội (bên phải ảnh) trần tình với PV về phát ngôn “gây sốc” dư luận thời gian qua. Ảnh: Vietnamnet.
Một nhà máy nói riêng, hay một ngành công nghiệp nói chung, luôn diễn ra các qúa trình khai thác tài nguyên (Resourse), chế biến nguyên liệu (Production), phân phối tiêu dùng (Consumer).
Kèm theo đó là các chất thải trong quá trình khai thác (Wr), chế biến (Wp) và tiêu dùng (Wc) là không thể tránh khỏi, bởi thực tế chưa có công nghệ chế biến nào đạt hiệu suất sử dụng nguyên liệu lên tới 100%.
Hoạt động của một nhà máy, cụ thể như nhà máy chế biến thép Formasa, với chu trình RPC + WrWpWc luôn tuân theo định luật thứ nhất của nhiệt động học, nghĩa là nhà máy quy mô càng lớn thì chất thải ra môi trường càng tăng, ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng tâm lí người dân, ai cũng muốn được sống hòa mình với thiên nhiên, chẳng ai muốn phải sống kí sinh trên mặt đất.
Khi WrWpWc vượt quá ngưỡng cho phép, người dân sẽ nhìn nhà máy như một con quái vật, nó biến cảnh quan thiên nhiên thành cỏ dại, làm cho cây xanh cổ thụ phải chết khô hay ngã xuống, biến các con sông thành màu đen, làm cho bầu trời nghẹn khói và bụi bẩn hóa chất.
Bởi vậy mà lịch sử phát triển mỗi quốc gia đã phải có sự lựa chọn “phát triển hay môi trường”.
Nếu là những người hoạch định chính sách, người lãnh đạo, người làm kinh tế hoặc môi trường, thì không thể không biết đến thuật ngữ “ô nhiễm do đói nghèo – Pollution of Poverty”.
Thuật ngữ này xuất hiện ở những quốc gia đang phát triển, do sốt ruột về tình trạng đói nghèo nên nảy sinh khuynh hướng phát triển kinh tế bằng mọi giá, chấp nhận hi sinh môi trường.
Khi kinh tế phát triển được một chút, nhưng môi trường lại bị suy thoái, là cơ sở cho phát triển kinh tế dần thu hẹp, là nguyên nhân rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn, gây nên cảnh “ô nhiễm do đói nghèo”.
Mức độ ô nhiễm nước ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tập trung tại các địa phương trong cả nước là rất lớn. Ảnh: VOV.
Ngược lại, thuật ngữ “ô nhiễm do giàu có – Pollution of Affluence” xuất hiện ở một số quốc gia phát triển, nơi chủ trương “tăng trưởng bằng không hoặc âm”.
Lý thuyết “đình chỉ phát triển” để bảo vệ môi trường, thực tế là không tưởng, bởi quốc gia đó sẽ phải tìm cách khai thác môi trường ở những quốc gia nghèo đói để phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp, đây là căn nguyên gây ra hiện tượng “ô nhiễm do giàu có”.
Cách đặt vấn đề “phát triển hay môi trường” đòi hỏi phải có sự lựa chọn, nếu lựa chọn môi trường thì phải chấp nhận nghèo nàn lạc hậu, nếu chọn phát triển thì môi trường sẽ hủy hoại.
Để cuộc sống người dân bị đói nghèo, nghĩa là đang mắc tội chống lại đời sống con người; gây ra sự ô nhiễm môi trường, nghĩa là đang mắc tội chống lại thiên nhiên.
Tập đoàn Formasa muốn tuân thủ theo quy định của Nhà nước Việt Nam, xin hãy nghiên cứu kĩ chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 2001 – 2010, được thể hiện rõ tại Cương lĩnh Chính trị Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ IX:
“Phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo và môi trường thiên nhiên, giữ gìn sự đa dạng sinh học”.
Nếu là một quốc gia khôn ngoan, thì vấn đề phát triển và môi trường không phải là hai vế đối kháng nhau theo kiểu loại trừ, có cái này thì không có cái kia.
Bởi vậy mà theo tôi, cách đặt vấn đề phải là “chọn cả cá và nhà máy, tại sao không?”, chứ không phải là “chọn cá hay chọn nhà máy”, nghĩa là phải coi trọng và lựa chọn cả hai, không hi sinh cái này vì cái kia.