Là một cô gái xinh đẹp, lại có nhiều tài lẻ về nghệ thuật nhưng Linh Buzi (tên thật Bùi Linh) lại không chọn sống trọn cuộc đời trong ánh đèn màu sân khấu hào nhoáng, thay vào đó, cô lại rẽ ngang để được sống cùng với thiên nhiên thông qua những chuyến du lịch.
Đó là cách để Linh thỏa đam mê từ bé và là cách để cô "làm giàu" bản thân mình hơn. Có người từng nói, thiên nhiên, núi, rừng, mây, gió là thuộc sở hữu của tất cả mọi người. Trong khoảnh khắc mình thấy chúng đẹp, chúng đã thuộc về mình. Đơn giản như thế, Linh Buzi đã trở thành một Vlogger du lịch.
Thế nhưng, có ngã rẽ nào mà không gây bất ngờ đâu. Những bài chia sẻ kinh nghiệm du lịch siêu tiết kiệm trong nước của Linh những ngày đầu đã gây ra không ít sóng gió. Tranh cãi nhất là phải kể đến chuyến đi Đà Lạt của cô nàng chỉ với số tiền 700k.
Gạch đá ném ra cùng với những lời bỉ bai nặng nề, nào là "thích gây sự chú ý", "làm trò câu like"... đã tuôn vào người Linh không ít.
Chẳng nản lòng vì đam mê cũng như là ước mong được chia sẻ cái đẹp của những nơi mình đặt chân đến cho tất cả mọi người, Linh Buzi tiếp tục vác ba lô lên và thực hiện những chuyến hành trình đến những vùng đất mới.
Gần nhất và đáng nhớ nhất và cũng gây nhiều sự chú ý nhất chính là câu chuyện, để leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, Linh Buzi đã phải bỏ ra 200 triệu.
Tất nhiên, không phải chi tiền là có thể tới ngay được đỉnh núi, hành trình chinh phục "nóc nhà thế giới" của Linh Buzi đầy những trở ngại, khó khăn và kỷ niệm xương máu đáng nhớ.
Chịu mất thời gian, sức khỏe và 200 triệu chỉ để chinh phục "nóc nhà thế giới"
Trước khi bắt đầu, Linh Buzi đã tìm hiểu khá kỹ lịch trình leo núi, cũng như là chi phí hỗ trợ cho "cuộc chơi" hoành tráng trước Tết này.
Cô lên kế hoạch chinh phục Everest Base Camp (EBC) - điểm đầu tiên cần phải vượt qua với những người muốn leo lên Everest. Chuyến đi gồm 8 ngày leo lên và 5 ngày leo xuống. Xuất phát từ 2.642m với trung bình 8 - 10km và mất 6 - 7 tiếng phải leo mỗi ngày.
Tổng trung bình cho một chuyến leo EBC sẽ vào khoảng 3.000 USD. Bên cạnh việc phải chuẩn bị sức khoẻ và dụng cụ leo núi chuyên nghiệp thì chi phí trung bình cho hành trình leo có hướng dẫn viên sẽ rơi vào 1.300 USD/người. Phí sinh hoạt, mua sắm vui chơi vào khoảng 1.000 USD...
Sau khi tính toán đủ đường, Linh Buzi lập tức bay thẳng từ Singapore sang Nepal, vé máy bay là 700 SGD. Linh đi với tâm trạng háo hức vì đây có thể là cột mốc vị đại nhất của cuộc đời.
Ấy thế, dù tâm lý ổn định nhưng thể lý của Linh lại gặp phải rắc rối. Cũng từ đây, chi phí cho cả chuyến đi của Linh bị đội lên gấp 3 lần dự kiến.
"Do khá là chủ quan và tự tin vào sức khỏe nên Linh đã bị sốc độ cao vào ngày thứ 8 chính là ngày cuối cùng trước khi leo lên được đỉnh của EBC.
Do mức độ oxy tụt xuống quá thấp là 43%, hàng đêm thở rất khó khăn và rất nhiều dấu hiệu chảy máu mũi, đau đầu và sốt li bì, không di chuyển được, Linh đã bắt buộc phải thuê trực thăng đưa mình từ trên cao xuống và bay thẳng về bệnh viện" – Linh Buzi cho biết.
Hoàn toàn nằm ngoài dự kiến nhưng không có sự lựa chọn, sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Linh Buzi lập tức thuê trực thăng trở về thành phố và mất một tuần để phục hồi sức khỏe trước khi tiếp tục chuyến leo núi để đời.
Đáng nói số tiền mà Linh phải bỏ ra để "giải quyết" sự cố không mong muốn này là 6.500USD bao gồm phí thuê trực thăng, viện phí, ăn uống, thuê khách sạn...
Tổng cộng, sau chuyến đi, Linh Buzi đã phải bỏ ra 200 triệu đồng để đổi lấy những phút giây đứng trên đỉnh núi hùng vĩ. Số tiền 200 triệu này mang đến cho Linh Buzi bài học đắt giá cho những chuyến đi sau, nhất là việc không nên quá chủ quan vào sức khỏe.
Linh nói: "Linh đã leo quá nhanh, chạy nhảy quay phim mà không lắng nghe người hướng dẫn nên hậu quả để lại là sự tiếc nuối khi chỉ còn chút nữa thôi là đến đích thì phải ngậm ngùi nằm viện ăn cháo".
Tuy nhiên, theo Linh nghĩ, con số 200 triệu này là hoàn toàn xứng đáng. Khi đặt chân mình ở "nóc nhà thế giới" Everest - nơi gần nhất với bầu trời, cảm giác sung sướng của Linh vỡ òa.
Xúc cảm này là một thứ tuyệt vời mà Linh tin rằng, bất kỳ ai đam mê xê dịch giống Linh đều mong muốn có được trong những chuyến hành trình xuôi ngược khắp mọi nẻo đường.
Toàn bộ quá trình leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới của Vlogger Linh Buzi
Tranh cãi và những bàn tán không hay xoay quanh con số 200 triệu
Sau chuyến đi, con số 200 triệu ấy đã khiến nhiều người biết được khá bất ngờ. Nhiều luồng ý kiến không hay cũng bắt đầu "tấn công" Linh Buzi. Đa phần đều bảo Linh dại khờ, 200 triệu chỉ để đổi lấy vài phút đứng trên cao, xong còn mất thời gian, mất sức khỏe.
rong khi cũng với số tiền ấy, Linh có thể vi vu đi Đông đi Tây, ăn chơi xả láng mà còn được nhàn nhã thoải mái, phục vụ tận răng.
Đối diện với ý kiến này, Linh Buzi cho rằng: "Khi dư dả hơn về kinh tế, chúng ta rất có thể đã không còn đủ nhiệt huyết và dũng cảm chinh phục, khám phá những kỳ quan thiên nhiên.
Mặc cho nhiều người nói mình dại nhưng mình vẫn lựa chọn Everest thay vì dùng 200 triệu đi châu Âu "sang chảnh". Châu Âu tuyệt đẹp, nhưng bạn không đi bây giờ, sau này đi cũng chưa muộn.
Còn đối với Everest hùng vĩ, sau này có thể chúng mình nhiều tiền hơn, thoải mái hơn thì sức khỏe và tuổi tác có lẽ sẽ níu ta lại. Cảm xúc và trải nghiệm đáng nhớ của tuổi trẻ, những bài học cũng như ký ức của thanh xuân thích chinh phục đầy cảm hứng đều khó có thể đong đếm bằng một cái giá 200 triệu".
Thậm chí, không ít người khác lại nói Linh thích chiêu trò, dùng những con số để gây sự chú ý chứ chẳng thật lòng muốn sẻ chia kinh nghiệm khi đi du lịch. Trước đã dùng 700k đi Đà Lạt, nay lại dùng 200 triệu để leo núi.
Với những ý kiến dạng này, Linh đanh thép đáp: "Linh thấy đó là định kiến của một số người tự đặt ra khi chưa tìm hiểu kĩ về tính xác thực từ mọi thông tin Linh cung cấp. Linh nghĩ khi cá nhân ai đó chưa đủ kinh nghiệm sống cũng như du lịch thì họ sẽ tự đóng khuôn mọi điều là không thể và là tiêu cực khi bản thân họ chưa một lần trải nghiệm.
Hơn nữa, để mà chiêu trò chỉ bằng những con số thì liệu có đề cao Linh quá không khi bên ngoài kia có rất nhiều hình thức chiêu trò cao siêu?".
Và cũng vẫn trong vòng xoáy tiền bạc khiến nhiều người tò mò, 200 triệu được một cô gái trẻ dùng để leo núi quả là thông tin khó tin. Chính vì thế, nhiều lời bàn tán không hay về Linh từ đây cũng được rì rầm ở nhiều hội nhóm du lịch.
Tiền từ đâu Linh có? Câu hỏi không lời giải này là nguyên nhân chính đẩy Linh vào các lời đồn ác ý từ những người vốn đã không có thiện cảm với việc những cô gái trẻ "chẳng biết làm gì mà có tiền đi chơi suốt".
Một số khác còn bảo Linh sinh ra trong một gia đình khá giả, từ bé đã nghiễm nhiên là thành viên của hội các hội richkid Việt.
Nhân đây, Linh giãi bày: "Từ bé, Linh đã được gia đình huấn luyện cho tính tự lập bằng việc đi làm vận động viên cờ tướng và ăn lương quốc gia. Nên cũng từ đó mà Linh có thể chủ động được về chi phí của những chuyến đi cũng như nuôi dưỡng đam mê bằng việc kiếm tiền từ nhiều nguồn làm thêm.
Định nghĩa của Linh về rich kid là từ bé sinh ra đã ngậm thìa vàng thìa bạc, chỉ việc đi shopping cũng kiếm ra tiền. Mà nếu là như vậy thì Linh đích thị là một poor kid ăn muỗng gỗ từ nhỏ rồi.
Nhưng có một điều đúng, đó là Linh không phải nghĩ nhiều đến tiền, vì nền tảng gia đình cũng ổn định và cũng là từ tính cách của bản thân cũng không quá đam mê tiền bạc. Cái chất ham chơi, đam mê xê dịch nó đã ngấm trong máu rồi".
Tết của cô gái thích xê dịch và quan điểm về việc đón Tết thời 4.0
Thời điểm Tết đến gần cũng là lúc xuất hiện nhiều chủ đề xoay quanh việc đón Tết cổ truyền, đoàn viên với gia đình hay là đi du lịch - phong cách ăn Tết hiện đại thời 4.0 đang được nhiều người áp dụng.
Với cương vị là một người đam mê xê dịch, Linh Buzi chia sẻ, bản thân cô nàng nghĩ đón Tết ở đâu không quan trọng, quan trọng là Tết ở trong tâm và tâm luôn hướng về gia đình mới là đáng quý nhất.
Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cũng như là nề nếp riêng, mỗi gia đình muốn đón Tết kiểu nào cũng được. Ý niệm về ngày Tết, suy cho cùng là vui vẻ, thoải mái và dành thời gian cho nhau.
"Bản thân Linh luôn yêu cái Tết cổ truyền và đoàn viên bên đại gia đình. Nếu có điều kiện thì tuyệt vời nhất vẫn là cả nhà quây quần bên nhau qua những ngày Tết. Song bên cạnh đó, khi xã hội càng phát triển, và hoàn cảnh mỗi gia đình một khác nhau.
Khi mà mọi thành viên cũng như họ hàng lại ở xa không thể sum vầy như xưa nữa, thì việc lựa chọn một cái Tết đi du lịch và tìm hiểu đó đây không phải là một ý kiến tồi. Chung quy lại, Tết ở nơi đâu không quan trọng. Quan trọng là tết ở trong tâm và tâm luôn hướng về gia đình" - Linh Buzi nói.
Riêng với Linh, Tết này chắc có lẽ không được đón những ngày đầu năm cùng gia đình. Cô về nhà trước Tết một tuần rồi lại đi vào ngày 30 để chuẩn bị cho những kế hoạch riêng: "Linh có về ăn Tết với cả nhà, nhưng mà là về ăn Tết sớm 1 tuần trước đêm giao thừa.
Nói ra cũng hơi có lỗi với gia đình vì Linh cũng có một dự án phải đi ăn Tết một mình ở Sapa với đồng bào H'Mong. Hi vọng sẽ có được nhiều trải nghiệm tuyệt vời".
(Ảnh: NVCC)