Nếu trước đây, private jet được coi là quá xa xỉ, lãng phí không cần thiết so với một vé máy bay hạng thương gia, thì hiện nay, nhiều đối tượng khách hàng giàu có lựa chọn dịch vụ này nhằm đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn.
Private jet giúp trải nghiệm đa dạng các loại hình, dịch vụ, đồng thời hạn chế được các khoản chi phí cũng như thời gian bảo trì máy bay tư nhân hàng năm. "Nghỉ dưỡng trên không" vì vậy đang là xu hướng "nóng" toàn thế giới, Việt Nam cũng đang tăng tốc nhập cuộc đua với sự ra mắt dịch vụ private jet lần lượt từ các hãng Vietstar Airlines, WorldTrans, Sun Air,...
Chất lượng thường đi đôi với giá cả, một chuyến bay xa xỉ cũng sẽ tương ứng với mức chi phí choáng ngợp. Nếu đang tự hỏi cao cấp tới đâu thì dưới đây là những gì giới thượng lưu phải chi trả để hưởng thụ đẳng cấp riêng của private jet.
Có gì bên trong những "lâu đài bay"?
Phòng khách, phòng tắm, phòng ngủ giường king-size, quầy bar, rạp chiếu phim đa phương tiện, tủ rượu, tủ sách âm tường, tiếp viên chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế,...là những gì con người hoàn toàn có thể hưởng thụ trên những chuyến bay giờ đây, thay vì chỉ là phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại cá nhân thông thường.
Với nội thất tưởng chỉ hiện lên trên các bản vẽ 3D hay kỹ xảo điện ảnh, các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ private jet đã hiện thực hóa và mang cả thế giới xa xỉ lên bầu trời để phục vụ giới tài phiệt. Private jet được coi là chỉ đứng sau du hành vũ trụ về độ đắt đỏ.
Private jet có nội thất bằng da thật, gỗ, đá cẩm thạch có hệ thống sưởi, cabin bấm nút tự động, trang bị internet tốc độ "ánh sáng",...với công năng chẳng hề thua kém những công trình nguy nga dưới mặt đất. Nhiều hãng thậm chí mạnh tay thiết kế theo phong cách độc đáo như du thuyền, giếng trời tùy chỉnh theo yêu cầu riêng của các "thượng đế". Với không gian bên trong rộng có thể lên đến 1000m2, ngoài mục đích cá nhân, private jet được nhiều tập đoàn lớn trưng dụng làm phòng họp và văn phòng công ty tạm thời.
Trên thế giới hiện nay, các nhà sản xuất máy bay tư nhân hàng đầu như Boeing, Airbus, Gulfstream, Bombardier, Embraer, Dassault,...đang cạnh tranh nhau để cung cấp cho giới "siêu giàu" những dịch vụ thượng hạng. Trong đó, XO, NetJets, VistaJet, Wheels Up, Jet Linx,...là những đơn vị vận hành dịch vụ private jet hàng đầu với quy mô bao phủ khắp hành tinh.
Cần bao nhiêu tiền để trải nghiệm sự xa xỉ?
Tùy thuộc vào kích thước máy bay, số hành khách, khoảng cách chuyến bay, phi hành đoàn, tiếp viên phục vụ, độ thân quen của khách hàng,...mà mỗi đơn vị sẽ đưa ra mức giá khác nhau cho một chuyến private jet.
Cũng như mọi loại xa xỉ phẩm khác, máy bay càng khan hiếm thì giá thuê càng đắt. Ngay cả khi bản thân chiếc máy bay không quá đắt đỏ, song nếu phần nội thất bên trong đều là hàng quý hiếm, chi phí cũng theo đó "đội" lên nhiều.
Trung bình một chuyến bay tư nhân có khoảng bốn khoang hành khách nhưng sức chứa có thể lên tới 6 -17 người. Các hạng máy bay phổ biến theo mức giá từ thấp đến cao gồm Turboprops, Light jet, Midsize jet, Heavy jet, Airliners VIP, Helicopter,...
Bảng giá tham khảo cho một chuyến private jet từ 5-16 chỗ ngồi (Nguồn: Flight Charter)
Cụ thể, giá cho mỗi chuyến private jet hiện nay dao động trong khoảng từ 2.000 USD (hơn 45 triệu) mỗi giờ đối với máy bay phản lực nhỏ và lên đến 50.000 USD (gần 1,3 tỷ) đối với máy bay phản lực VIP. Nếu thuê private jet trong vòng 1 tuần có thể lên đến 100.000 USD (hơn 2,8 tỷ), thời gian càng dài, giá càng "chóng mặt".
Ngoài chi phí cố định của hãng đưa ra, hành khách còn phải trả thêm các khoản phí hạ cánh, phí cho đội bay, các loại thuế,...Nguồn: Paramount Business Jets
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà tiền với nhiều người không còn là vấn đề, việc sử dụng máy bay tư nhân không còn mang tính chất kinh tế mà phản ánh nhu cầu giao lưu và làm việc đa quốc gia, đa châu lục ở tầng lớp trên cùng của xã hội. Với độ siêu tiện ích, chỉ cần 3 giờ đến 24 giờ đặt dịch vụ, một chuyến private jet đã có thể đưa giới siêu giàu đến bất kì nơi nào trên thế giới, xuyên qua lục địa và các đại dương.