Choáng váng với lan đột biến

Hải Nhi |

Thời gian qua, cơn sốt "lan đột biến" từ Phú Thọ đến Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình… vào cả Tây Nguyên kèm theo những vụ "đấu giá" với số tiền ngày càng khủng. Trong đó, vụ gây choáng váng dư luận là cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỉ đồng được giao dịch tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Vậy, thực hư chuyện này thế nào?

Lan phi điệp Ngọc Sơn Cước có giao dịch đẩy lên tới 250 tỷ đồng.

Lan phi điệp Ngọc Sơn Cước có giao dịch đẩy lên tới 250 tỷ đồng.

Đưa lên Facebook giá tiền khủng, mập mờ thông tin giao dịch trong các thương vụ, lợi dụng kẽ hở pháp luật để trốn thuế... là hàng loạt chiêu trò của dân buôn lan đột biến đang tiếp tục gài bẫy "con mồi". 

Trước đó, "bài học" cây gỗ sưa cũng với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi làm giá ảo đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tán gia bại sản. Vậy nhưng, chính quyền địa phương lại đang ở đâu?

Mỗi ngày một nóng

Dù thời gian qua không ít các vụ lừa đảo lan đột biến được cơ quan chức năng phanh phui, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì mắc bẫy. Tuy nhiên, "cơn sốt " lan đột biến vẫn tiếp tục lan từ Phú Thọ đến tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, vào cả Tây Nguyên kèm theo những vụ "đấu giá" với số tiền ngày càng khủng.

Một thương vụ vừa gây choáng váng trong dư luận khi cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng được giao dịch tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. 

Ngay sau đó, khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ vườn khai báo giao dịch 250 tỷ đồng cho 5.000 cây giống lan Var Ngọc Sơn Cước. Rõ ràng, đây là sự mập mờ về thông tin nhằm gây chú ý trong dư luận.

Liên quan tới các thương vụ lan đột biến lừa đảo tiền tỷ, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tạ Thị Suối Vân (sinh năm 1992) trú tại Đội 2, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội".

Đối tượng Tạ Thị Suối Vân khai nhận đã sử dụng mạng xã hội Facebook, tạo tài khoản để thường xuyên đăng tải hình ảnh, phát trực tiếp video giới thiệu về các loại cây phong lan đột biến có giá trị cao như: Năm cánh trắng HO, Năm cánh trắng Bạch Tuyết; Hồng Yên Thủy và Phú Thọ… nhưng thực chất chỉ là những cây phong lan bình thường.

Với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 6 đến tháng 7/2020, Tạ Thị Suối Vân đã lừa bán cây hoa phong lan giả với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng. Trước đó, một vụ lừa đảo bán lan đột biến xảy ra ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. 

Đối tượng lừa đảo là Bùi Văn Sỹ, chuẩn bị thực hiện trót lọt vụ lừa bán lan đột biến giả với giá 1,47 tỷ đồng thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Hay nhóm đối tượng đến từ Hoà Bình đã lừa đảo hàng chục vụ khắp các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Hà Tĩnh với tổng số tiền lừa đảo lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Cùng với những vụ lừa đảo trên, là những bài học đắt giá về cây gỗ sưa, hay không ít loại cây cảnh được giới buôn cây tự làm giá tiền tỷ và được rao bán trên thị trường. Cái bẫy giăng ra ngọt ngào khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Đã có nhiều cảnh báo, nhưng nhiều "con mồi" vẫn cứ mắc bẫy lan đột biến.

Choáng váng với lan đột biến - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bắt nhóm đối tượng lừa đảo bán lan phi điệp đột biến đến từ Hòa Bình.

Dễ nhận thấy hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức "thổi giá", "làm giá ảo" để lừa đảo của một số đối tượng, được hiểu là các bên tự mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao. 

Điều này sẽ kích thích người sau mua với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế. Ngoài ra, còn có một số các thông tin phản ánh đây có thể chỉ là các "chiêu trò đánh bóng tên tuổi" của các đối tượng, thực tế không có giao dịch mua bán.

Bức xúc với những chiêu trò làm giá ảo gây nhiễu loạn thị trường, anh Nguyễn Văn Hoà, một người chơi lan quận Cầu Giấy Hà Nội đặt nghi vấn: Từ lâu, lan đột biến cứ sốt đùng đùng với những giao dịch hàng chục tỷ đồng một mầm lan giống. 

Nay thì đã đến mức điên loạn: 250 tỷ (hơn 10 triệu USD) cho một giao dịch. "Điều kỳ lạ là các cơ quan chức năng đã phối hợp điều tra nhưng lại kết luận rất bình thường? Một cái mầm lan có giá như vậy thì không thể bình thường được" - anh Hoà bày tỏ.

Như vậy là người dân có quyền đặt câu hỏi bởi rất nhiều vụ mua bán khống nhằm lừa gạt, gây nhiễu loạn thị trường. Tại sao nhiều vụ lừa đảo đã và đang xảy ra ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và gây rủi ro lớn cho nền kinh tế nhưng lại được cho qua dễ dàng? 

Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành chức năng phải vào cuộc ngay, muộn còn hơn không. Hiện ai cũng có quyền tự công bố sở hữu lan đột biến nhằm làm nhiễu loạn thị trường, nhiễu loạn xã hội nên rất cần có những thông tin chính xác và khoa học.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Nếu các thương vụ hoa lan đột biến với số tiền hàng trăm tỷ đồng không phải là giao dịch thật, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ mục đích của các đối tượng giao dịch ở đây là gì? Có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác không?

Trường hợp có căn cứ cho rằng, đây là giao dịch giả mạo khiến người khác tin tưởng giao tiền cho các đối tượng này với số tiền 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng sẽ xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, các đối tượng có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ở một khía cạnh khác, ngành thuế cũng đang "bối rối" vì không thu được thuế với những người kinh doanh lan đột biến.

Lỗ hổng pháp luật

Trước những giao dịch lan đột biến thời gian qua, theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), thị trường cây cảnh nói chung và hoa nói riêng không có giá chung cố định, pháp luật Việt Nam cũng không quy định về giá nên cơ quan Nhà nước không áp đặt mức giá đối với các giao dịch. 

Đây là kẽ hở để các đối tượng "thổi giá" nhằm trục lợi. "Tuy nhiên với những giao dịch bất thường, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh làm rõ động cơ mục đích, làm rõ hành vi và đánh giá hậu quả đối với xã hội để có căn cứ xử lý" - ông Đặng Văn Cường cho biết.

Bên cạnh đó, với các giao dịch mua bán lan đột biến với giá bất thường, cơ quan thuế và cảnh sát kinh tế cần có trách nhiệm làm rõ để truy thu thuế cho Nhà nước. 

Trường hợp có hành vi "Trốn thuế" thì có thể xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định của Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015.

Theo Thông tư 92/2015/-TT-BTC, đối với trường hợp lan đột biến là hàng hóa, do cá nhân giao dịch, cá nhân chịu thuế VAT 1,0% và thuế thu nhập 0,5%, mức thuế 1,5%/tổng doanh số.

Trường hợp lan đột biến là hàng hóa, do doanh nghiệp giao dịch, doanh nghiệp chịu mức thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Như vậy, tổng số thuế doanh nghiệp phải chịu là 30%/tổng doanh thu, số thuế khá lớn.

Minh bạch việc thu thuế trong các thương vụ lan đột biến, đại diện của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng cho hay: Cần làm rõ đối tượng giao dịch, phương thức giao dịch và mục đích giao dịch mới thu được thuế. 

Lan là sản phẩm nông nghiệp, các giao dịch liên quan đến sản phẩm cây trồng, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trong giao thương không chịu thuế. Trường hợp sản phẩm nông nghiệp bị đánh thuế khi và chỉ khi nó trở thành hàng hóa trên thị trường, mua đi bán lại qua nhiều người hoặc được xuất khẩu.

Về phía người dân, các chuyên gia sinh vật cảnh khuyến cáo, người dân cần hết sức thận trọng bởi thời gian qua tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng "thổi giá" cây lan đột biến lên đến tiền tỷ, thậm chí chục tỷ, trăm tỷ đồng khiến nhiều người bị lừa đảo, dồn hết tài sản vào những thương vụ như vậy.

Để ngăn chặn chiêu trò thổi giá lan đột biến, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương cần phải nắm bắt thông tin. Khi phát hiện ra trường hợp nào tổ chức các sự kiện mua bán, phát tán thông tin trên mạng xã hội có những nội dung sai sự thật thì cần phải xử lý ngay. 

Với các giao dịch mua bán lan đột biến có giá bất thường, cơ quan quản lý cần phải kiểm tra yêu cầu nộp thuế. Trường hợp phát hiện có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng hoặc đưa, truyền dữ liệu trái phép trên mạng Internet, các đối tượng sẽ bị xử lý thật nghiêm.

Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 833/TCT- DNNCN gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường công tác chỉ đạo về quản lý thuế đối với "lan đột biến". 

Trong công văn, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan trực thuộc nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán "lan đột biến" trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế theo đúng quy định của pháp luật về Quản lý thuế, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế thu nhập cá nhân. 

Trong đó có hướng dẫn cụ thể về trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của tổ chức và trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại