“Nhà nghìn cột”
Căn dinh thự này được gọi là “nhà nghìn cột” vì được xây dựng với hơn 1.000 trụ chống.
"Nhà nghìn cột" tọa lạc tại một ngôi làng nhỏ tương đối xa xôi ở Thiệu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc), là nơi ở riêng của Tư Nguyên Nho, một thương gia giàu có sống ở thời Gia Khánh của nhà Thanh cách đây hơn 200 năm.
Tư Nguyên Nho có chí làm ăn từ trẻ và đi xa lập nghiệp, nhờ kinh doanh thành công và sự chăm chỉ nên đã trở thành thương gia giàu có nứt đố đổ vách. Trở về quê hương Thiệu Hưng, ông đã xây dựng ngôi nhà này cho riêng mình.
Đến hiện tại, “nhà nghìn cột” đã trở thành tài sản văn hóa quý giá của Trung Quốc, đồng thời mang lại nhiều cảm hứng cho thiết kế và xây dựng kiến trúc hiện đại.
"Nhà nghìn cột" tọa lạc ở Chư Kỵ, Thiệu Hưng, được xây dựng gần chân núi, là một tổ hợp của 8 tứ hợp viện, với tổng cộng 1.322 cây cột.
“Tứ hợp viện” là kiểu kiến trúc tổ hợp nhà dân vùng Hoa Bắc Trung Quốc. Nhà Tứ hợp viện được xây bao quanh một sân vườn theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Thông thường gồm có nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông - Tây và nhà đối diện với nhà chính. Bốn nhà đều bao quanh sân vườn ở giữa, cho nên được gọi là Tứ hợp viện. Ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nhiều thiết kế nhà Tứ hợp viện tại các vùng nông thôn hay Bắc Kinh.
"Nhà nghìn cột" có chiều rộng 108,5 mét từ Đông sang Tây và 63,1 mét từ Bắc xuống Nam, với tổng diện tích xây dựng là 6.850 mét vuông.
Hơn nghìn cây cột tuy không phân bố như những ngôi làng mà chúng ta thường biết nhưng kết cấu rất chặt chẽ và đối xứng. Chính giữa là trục trung tâm hành lang dài, bạn có thể đến từng khu nhà nhỏ hơn bằng cách đi qua hành lang này.
Trong phương ngữ của người Chư Kỵ, ý nghĩa của số chẵn khác với ý nghĩa đẹp đẽ mà người dân ở các vị trí địa lý khác ở Trung Quốc vẫn quen dùng. Xây nhà bằng số lẻ mang ý nghĩa đối xứng, cân bằng trong phong tục truyền thống của người nơi đây.
Vì vậy, người Chu Kỵ, Thiệu Hưng có truyền thống xây nhà số lẻ, ví dụ như “nhà nghìn cột” có 5 cửa ra vào chính, tổng số cửa sổ và các cửa phòng khác cũng là số lẻ.
“Ban ngày không chói nắng, trời mưa không ướt giày”
Người ta thường nhận xét “nhà nghìn trụ” với câu “ban ngày không chói nắng, trời mưa không ướt giày”.
Sở dĩ như vậy là do “nhà nghìn cột” được xây dựng với 1.322 cây cột, các cây cột ở hành lang trong nhà nối tiếp nhau, cửa sổ và cửa ra vào liền kề nhiều vô kể, các hành lang nối cũng lợp mái ngói. Khi nhìn từ trên cao xuống, bạn có thể cảm nhận được vì sao người ta lại nhận xét như vậy.
“Nhà nghìn cột” giống như một ngôi làng nhỏ, mỗi hộ gia đình bên trong như một cá thể sống tương đối độc lập, có không gian riêng nhưng được nối với nhau bằng một hành lang dài.
Trong sân của “nhà nghìn cột” có cây hòe và cây hoa quế thơm lừng. Sau từng ấy thời gian, chúng đã trải qua bao thăng trầm, trở thành những cây to bóng mát. Lạc bước trong dinh thự cổ này, bạn có thể cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp trong quan niệm nghệ thuật của người thời bấy giờ.
“Nhà nghìn cột” được bao quanh bởi núi và ao hồ. Đây cũng chính là quan niệm phong thủy đặc trưng trong việc xây nhà của người Trung Quốc. Phía sau dựa núi, trước cửa là hồ nước, tạo nên thế cân bằng âm dương ngũ hành.
Ngôi nhà rộng thênh thang được xây dựng đối xứng, quay mặt về hướng Bắc và Nam, cổng chính ở giữa, cao 3,35 mét, rộng 3,20 mét, có hai cửa phụ nhỏ hơn cổng chính một chút ở hai phía Đông và Tây cao 2,78 mét và rộng 1,36 mét.
Toàn bộ ngôi nhà là một công trình kiến trúc bằng gạch và gỗ, trang trí trên những bức tường cao xung quanh nhà là hàng chục cửa sổ mở bằng đá xanh cách đều nhau.
Ngày nay, “nhà nghìn cột” không chỉ trở thành một điểm thu hút khách du lịch khá nổi tiếng, mà còn là địa điểm độc đáo để nhiều chuyên gia nghiên cứu kiến trúc về công trình kiến trúc cổ.
Nguồn: Tổng hợp