Không chính thức là chợ nhưng cứ độ Tết đến là khu vực ngã ba Ông Tạ, trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TP.HCM, góc ngã ba Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai) bắt đầu nhộn nhịp với cảnh mua bán lá dong gói bánh chưng. Cả một đoạn đườg được phủ một màu xanh rì khiến ai đi ngang qua cũng ngoái nhìn.
Theo những người buôn bán tại đây, chợ lá dong Ông Tạ hình thành trước năm 1975, đã tồn tại hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn, được hình thành từ những người miền Bắc di cư vào Sài Gòn. Chợ chỉ họp một lần trong năm, bắt đầu từ 20 – 28 tháng Chạp. Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 5 giờ sáng cho đến tối khuya các ngày họp chợ.
Rất nhiều tiểu thương tập kết về đây dịp này bày bán lá dong để gói bánh chưng Tết, tập trung nhiều nhất là trước trường Trung học cơ sở bán công Tân Bình. Nguồn lá dong chủ yếu được lấy từ Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP.HCM), Gia Kiệm (Đồng Nai), Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Những bó lá dong đủ kích cỡ được để trên 500m vỉa hè. Có những tiểu thương cho biết, họ đã bán lá dong tại chợ này trên dưới hơn 40 năm. Có người ngày thường thì buôn bán ở chợ, nhưng khi tết đến xuân về thì lại buôn lá dong về đây bán như một cái duyên với nghề.
Lá dong được các thương lai vận chuyển về đây rồi bỏ sỉ tỏa đi các chợ và lò làm bánh chưng.
Lá dong được các tiểu thương phân ra thành nhiều loại. Lá lớn, loại tốt dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/bó 50 lá; loại trung khoảng 80.000 đồng; loại lá nhỏ khoảng 50.000 đồng. Lá dong Bà Điểm vẫn luôn đứng đầu danh sách vì mềm, giữ màu xanh tốt sau khi luộc; trong khi các loại lá ở Đồng Nai thì cứng, đậm màu nhưng sau khi luộc thì không được xanh nên không được người mua mê bằng. Tuy nhiên, lá dong Bà Điểm mỗi năm lại càng khan hiếm, vì vùng đất 18 thôn đang đô thị hóa rất nhanh.
Ngoài bán lá dong, nơi đây con bán khuân gói bánh chưng và lạt để gói bánh
Từng bó lá dong xanh rì dựng dọc đoạn đường dài gần 500m khiến ai đi qua cũng thấy lòng rạo rực, nhất là những người con xa xứ.
Người dân dễ dàng tấp vào lựa chọn một bó lá dong ưng ý để về gói bánh cúng ông bà tổ tiên ngày Tết.
Trong lúc chờ khách, nhiều lái buôn tranh thủ cắt phần khô của lá. Một số tiểu thương cho biết, lá dong năm nay xanh tốt, được mùa hơn so với năm trước do mưa nhiều.
Tranh thủ phun nước làm cho lá tươi hơn.
Một cụ bà tỉ mẩn ngồi lựa lá dong.
Chợ mỗi năm đều có lượng khách ổn định, mặc dù hiện nay nhiều gia đình không còn tự gói bánh ở nhà mà mua sẵn ở siêu thị, cửa hàng; nhưng với nhiều người, việc gói bánh chưng hàng năm là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau.
Lạt gói bánh chưng, bánh tét, mỗi bó nhỏ có giá 5.000 - 10.000 đồng, tùy loại.
Người mua lá dong thường sẽ kèm lạt buộc, bởi chỉ cần nghĩ tới cái bánh chưng dù có được gói bằng loại lá dong loại 1 mà được buộc bằng dây nylon thì vẫn thấy có gì đó thất lễ.
Ngoài lá, lạt, khu chợ tạm này còn bán khuôn gói bánh chưng với nhiều kích cỡ cho khách lựa chọn.
Giá bán khung gói bánh chưng từ 15.000 – 35.000 đồng/cái tùy theo kích cỡ.
Lá chuối có giá rẻ hơn nhiều, khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, dùng để gói bánh tét.
Những ngày này, đoạn đường được khoác thêm màu xanh mướt mắt của lá dong xen lẽ với những bó lạt trắng ngà mang đậm sắc xuân. Những ai hàng ngày bận rộn với công việc, vô tình đi ngang góc đường này cũng sẽ phải thốt lên: "Tết đến rồi!".
Chợ lá dong Ông Tạ vì nhu cầu tình cảm, cả ý thức của người muốn lưu giữ truyền thống nên đã tồn tại qua nửa thế kỷ.
Tết Việt mà không có bánh chưng, bánh tét thì ắt hẳn sẽ thiếu đi hương vị ngày xuân. Vì thế, cho dù bận rộn thế nào, nhiều người vẫn tranh thủ ghé khu chợ này lựa những chiếc lá đẹp nhất cho nồi bánh gia đình, để thành kính dâng lên tổ tiên và cũng để nhắc nhau về cội nguồn, tinh hoa dân tộc.