Sau nhiều tin tức xấu trong nửa tháng 5 và suốt cả tháng 6, Bitcoin đã có dấu hiệu hồi phục vào cuối tháng 7 này với những tin tức tốt liên tục ập đến. Nhờ đó, giá trị Bitcoin đã tiến sát ngưỡng 40.000 USD lần đầu tiên kể từ giữa tháng 6.
Vượt qua vùng kháng cự cứng 40.000 USD sẽ là một chỉ dấu hết sức quan trọng cho Bitcoin, mà sẽ kéo cả thị trường tiền ảo đi lên trở lại. Điều lạc quan là một số tín hiệu tích cực gần đây cho thấy mốc cản này có thể sớm bị vượt qua trong tháng 8 tới.
Trung Quốc trấn áp các công ty công nghệ
Những động thái quyết liệt gần đây của Trung Quốc với các công ty công nghệ đã khiến nhiều tên tuổi cả lớn lẫn bé lao đao. Nổi bật nhất phải kể đến quy định mới của Bắc Kinh buộc các startup giáo dục không được IPO hay nhận đầu tư từ nước ngoài.
Tác động sâu rộng từ Trung Quốc đã khiến cổ phiếu của các công ty công nghệ trong nước chao đảo. Nasdaq Golden Dragon China Index, chỉ số của 98 công ty công nghệ lớn nhất trên sàn Mỹ đã ngay lập tức giảm 19%. Tính từ thời điểm lập đỉnh hồi giữa tháng 2, 829 tỷ USD giá trị đã bị thổi bay trên sàn chứng khoán.
Trung Quốc khiến cổ phiếu của các hãng công nghệ nhuộm đỏ sàn.
Hành động của Trung Quốc tuy nhiên lại đem đến tác động tích cực cho thị trường tiền ảo, vốn đã qua giai đoạn bị trấn áp tại đại lục. Các nhà đầu tư chứng khoán lo sợ diễn biến xấu hơn nhiều khả năng sẽ chuyển dòng tiền từ cổ phiếu sang các thị trường khác như tiền ảo.
Giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ còn tiếp tục siết chặt các Big Tech nước này và giành lại quyền kiểm soát dữ liệu người dùng. Nếu điều đó xảy ra, thị trường tiền ảo sẽ là một trong những khu vực được hưởng lợi mạnh mẽ.
Big Tech Mỹ gia nhập cuộc chơi tiền số
Các Big Tech nước Mỹ hiện vẫn chưa chính thức gia nhập cuộc chơi tiền mã hóa. Tuy nhiên, một số cái tên như Apple hay Amazon đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự có liên quan, dẫn đến những đồn đoán về việc hỗ trợ Bitcoin trong thời gian tới.
Dù chỉ là tin đồn, tuy nhiên, thị trường tiền ảo lại là nơi rất dễ để thao túng bởi những tin xấu hoặc tin tốt bất chấp tính đúng sai. Chẳng hạn, tin đồn Amazon chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vào cuối năm đã kéo giá trị của đồng này lên 12%, dù sau đó người đại diện công ty đã lên tiếng phủ nhận.
Một khi có thêm những tin đồn như vậy xuất phát từ Microsoft hay Alphabet (công ty mẹ Google), thị trường tiền ảo chắc chắn sẽ có phản ứng dữ dội nhất.
Độ khó và nỗi sợ hãi
Có nhiều chỉ số và biểu đồ phân tích để dự đoán giá Bitcoin sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, dễ đọc nhất là chỉ số công suất đào (hashrate) liên quan đến độ khó khai thác và chỉ số nỗi sợ hãi thị trường.
Độ khó đào Bitcoin sẽ tăng lần đầu tiên (14,3T) sau gần hai tháng kể từ khi bị Trung Quốc trấn áp hoạt động khai thác hồi giữa tháng 5. Mặc dù vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với độ khó đỉnh (25T) nhưng đây là chỉ dấu cho thấy các mỏ đào bắt đầu hoạt động trở lại.
Chỉ số nỗi sợ và sự tham lam ở thị trường tiền ảo đã lên đến mức an toàn.
Một tín hiệu khác là chỉ số tham lam và sợ hãi của thị trường (Crypto Fear & Greed Index) hiện đã về vùng trung bình 50 điểm so với thời điểm sợ hãi tột độ 10 điểm vào tuần trước. Ở thời điểm Bitcoin lập đỉnh 64.000 USD, chỉ số trung bình này là trên 70 điểm.
Đây là những chỉ dấu cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư, thợ đào và những người có liên quan đến Bitcoin đang tăng trở lại.
Nhà đầu tư đốt tiền vào Bitcoin
Sau tất cả, những tin tức bên ngoài chỉ là đòn tác động tâm lý mà hạt nhân chính gây ra biến động giá vẫn chính là thanh khoản của tiền ảo. Chẳng hạn, khi Bitcoin chạm đến 40.000 USD, nhà đầu tư đặt cược rằng giá sẽ giảm và vào vị thế bán (short).
Tuy nhiên, thực tế giá Bitcoin lại tăng và nhà đầu tư phải đóng vị thế bằng cách mua vào Bitcoin, dẫn đến giá liên tục tăng do chỉ có mua vào.
111 triệu USD vị thế short đã được thanh khoản trong vòng 10 phút, cho thấy mức độ đốt tiền khủng khiếp của người chơi future (hợp đồng tương lai).
Dữ liệu phân tích chuỗi khối (on-chain) cho thấy đã có 1,1 tỷ USD thanh khoản chỉ trong vòng 24 giờ hôm thứ hai (26/7), khi tin đồn về Amazon xuất hiện.
Nói cách khác, đây là cuộc chiến giữa các nhà đầu tư về tin đồn và sự đặt cược vào giá Bitcoin sẽ lên hay xuống. Bên thua sẽ dẫn đến kết cục Bitcoin đóng nến xanh (giá tăng) hoặc đóng nến đỏ (giá giảm) đến khi cháy tài khoản.