Giới chuyên gia y tế đánh giá việc Trung Quốc cho phép tiến hành cuộc điều tra về dịch Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu có thể thúc đẩy danh tiếng của nền kinh tế thứ hai thế giới và giúp tìm hiểu về nguồn gốc dịch bệnh. Điều này được cho là cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong tương lai.
Hai chuyên gia WHO, gồm một chuyên gia về sức khỏe động vật và một nhà dịch tễ học, đến thủ đô Bắc Kinh vào cuối tuần này để gặp các nhà khoa học và bác sĩ Trung Quốc thảo luận về nhiệm vụ truy tìm nguồn gốc của dịch Covid-19. Trung Quốc đã đồng ý hợp tác tiến hành cuộc điều tra này sau khi nghị quyết được nhất trí thông qua tại Hội đồng Y tế thế giới hồi tháng 5. Các quốc gia như Úc và Mỹ trước đó đã kêu gọi điều tra mở rộng về cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc.
Bà Sara Davies, giáo sư quan hệ quốc tế chuyên về quản trị y tế toàn cầu tại Trường ĐH Griffith (Úc), cho biết Trung Quốc có thể đã chấp thuận đề nghị điều tra tại nước này vì các quan chức WHO khẳng định cuộc điều tra không phải là đổ lỗi. "Đây là một cuộc điều tra khoa học và đó là nỗ lực có chủ ý nhằm nhấn mạnh rõ ràng rằng đây không phải là lỗi. Đây cũng không phải là kiểu điều tra mà Úc và những nước khác đã đề xuất vào đầu năm nay" - bà Davies lý giải.
Trong khi đó, ông Wang Huiyao, chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Trung Quốc), cho rằng Trung Quốc đang tôn trọng lời hứa cho phép tiến hành một cuộc điều tra do WHO dẫn đầu khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát và chính quyền Bắc Kinh sẽ hưởng lợi về điều này.
Ông Wang nhận định: "Có một số nghi ngờ và tin đồn trên toàn thế giới, như thuyết âm mưu liên quan đến phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Cuộc điều tra sẽ giúp dập tắt những tin đồn như vậy".
Hồi đầu tháng 6, Bắc Kinh đã ghi nhận hơn 335 ca nhiễm liên quan đến chợ Tân Phát Địa sau gần hai tháng không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nào. Vì lẽ đó, ông Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), cho rằng Trung Quốc có động lực tìm ra nguồn gốc của dịch Covid-19 vì điều này sẽ giúp xác định vật chủ lây bệnh và phá vỡ hoàn toàn "chuỗi truyền bệnh".
Ông David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London (Anh) và là người đứng đầu nhóm tư vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về các nguy cơ truyền nhiễm, cho hay WHO đang hợp tác với Trung Quốc để cho thấy sự minh bạch hơn, qua đó tiếp tục nghiên cứu trong tương lai và tìm ra giải pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro về dịch bệnh.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Andrew Bremberg cho biết Mỹ hoan nghênh cuộc điều tra dịch Covid-19 của WHO tại Trung Quốc. Đại sứ Bremberg cho hay Mỹ mong chính quyền Trung Quốc sẽ cho phép đội ngũ chuyên gia của WHO tiếp cận đầy đủ với nguồn dữ liệu, mẫu vật và các địa phương bị ảnh hưởng. Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức khởi động quá trình rút Mỹ khỏi WHO vì cáo buộc thiên vị Trung Quốc trong xử lý dịch Covid-19.
Ít nhất 33 bang tại Mỹ chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt so với tuần trước. Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ hôm 10-7 tăng lên gần 69.000 ca, lập kỷ lục mới về số ca nhiễm trong ngày thứ 3 liên tiếp, theo phân tích của hãng tin Reuters. Các bang Texas, Florida và California là những "điểm nóng" tại Mỹ. Hiện số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 tại Mỹ lần lượt hơn 3 triệu ca và ít nhất 136.000 ca.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thiếu sự lãnh đạo trong việc chống lại đại dịch Covid-19 và kêu gọi thống nhất toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại ở nhiều nơi. Tính đến nay, đã có hơn 12,6 triệu người nhiễm bệnh và ít nhất 560.000 ca tử vong trên toàn cầu do dịch Covid-19.
Quan hệ Mỹ - Trung tổn hại nghiêm trọng
Hôm 10-7, Tổng thống Donald Trump thừa nhận quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng bởi những vấn đề liên quan tới đại dịch Covid-19. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố không nghĩ về "giai đoạn II" tiềm tàng trong thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh sau khi hai bên thống nhất "giai đoạn I" của thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm ngoái Ảnh: REUTERS
Đài CNBC cho biết trong chuyến bay tới bang Florida, Tổng thống Donald Trump nói rằng lẽ ra Trung Quốc đã có thể ngăn chặn đại dịch Covid-19 nhưng cuối cùng họ lại không làm như vậy. Trước đó, ông yêu cầu Bắc Kinh chịu trách nhiệm vì để Covid-19 lan ra toàn cầu, khiến Mỹ gánh chịu hậu quả nặng nề. Theo dữ liệu của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), hơn 3 triệu ca nhiễm và ít nhất 133.291 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2 được báo cáo tại Mỹ. Thêm vào đó, thỏa thuận thương mại đang có dấu hiệu tiến triển giữa Washington và Bắc Kinh cũng bị chững lại bởi đại dịch chết người. "Giai đoạn I" của thỏa thuận được ký kết và có hiệu lực vào đầu năm nay. Nội dung bao gồm thực hiện các bước đầu tiên để giải quyết các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, Trung Quốc cam kết mua ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm...
Quan hệ Mỹ - Trung còn bị phủ bóng bởi lệnh cấm nhập cảnh mà Washington áp đặt lên 3 quan chức Bắc Kinh "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương". Hãng tin AP hôm 10-7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này sẽ trả đũa, nhằm vào các quan chức và tổ chức của Mỹ.