"Chợ đen" vắc-xin COVID-19 tại Philippines

Bảo Sơn |

Dù Chính phủ Philippines chưa thông qua kế hoạch tiêm chủng, nhưng những liều vắc-xin phòng COVID-19 đến từ Trung Quốc vẫn được lưu hành tại quốc gia này.

Ngày 18/1, số ca mắc mới ở Philippines chạm ngưỡng nửa triệu. Con số 500.577 một lần nữa khiến chính phủ Manila nhận nhiều chỉ trích vì đã không nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng, trong bối cảnh cả thế giới đang tranh giành nhau những liều vắc-xin phòng COVID-19 ít ỏi.

Thế nhưng, một số người ở Philippines đã được tiêm cả hai liều cần thiết. Điều đặc biệt, đa phần đều là những người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Philippines.

Bí ẩn những liều vắc-xin trái phép

Jesse, một phụ nữ Philippines đang làm việc cho một công ty điều hành sòng bạc kể lại rằng, một ngày cuối tháng 12, cô đọc được một tin nhắn trên điện thoại của một đồng nghiệp người Trung Quốc, kể chi tiết về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho những người Trung Quốc khác trong công ty.

Tin nhắn nói rõ, những người được đi tiêm phòng phải mặc áo dài tay để che đi vết tiêm, đồng thời phải giữ im lặng và không được phép nói bất cứ điều gì với các nhân viên khác.

Hiện tại, chính phủ Philippines vẫn chưa thông qua việc sử dụng đại trà bất cứ loại vắc-xin phòng COVID-19 nào. Dự kiến, phải đến tháng 2 tới, quốc gia này mới nhận được những lô vắc-xin đầu tiên.

Việc nhập khẩu dược phẩm chưa được cấp phép là bất hợp pháp. Nhưng do nhu cầu tăng vọt của người lao động nhập cư Trung Quốc, nhiều người trong đó làm việc tại các sòng bạc trực tuyến chuyên phục vụ khách hàng ở Trung Quốc đại lục, đang tạo nên một thị trường chợ đen buôn bán vắc-xin bất hợp pháp, với giá khoảng 200-300 USD cho cả hai liều, so với mức giá gốc là 30 USD tại Trung Quốc.

Bà Teresita Ang-See, Chủ tịch Phong trào Khôi phục Hòa bình và Trật tự, một tổ chức giám sát chống tội phạm cho biết, có khoảng 100.000 người Trung Quốc đang làm việc ở Philippines đã được tiêm phòng đầy đủ.

Thực tế, Bắc Kinh nói rằng đã bắt đầu chương trình tiêm phòng cho công dân của họ làm việc ở nước ngoài từ giữa năm ngoái.

Một doanh nhân giấu tên người Philippines nói rằng, ông đã được một vài doanh nhân người Hoa đến từ các sòng bạc trực tuyến tiếp cận và thương lượng để giúp họ cung cấp vắc-xin của hãng dược Sinopharm cho nhân viên của mình.

Doanh nhân này cũng cho biết, họ đề nghị ông khai khống số vắc-xin này thành thực phẩm chức năng để khâu nhập khẩu qua hải quan được trót lọt. Sau đó, các nhà phân phối tiềm năng phải chịu trách nhiệm trước pháp lý và ký cam kết không bán lại những liều vắc-xin này.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, trong cuộc gặp với người đồng cấp Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết sẽ tặng 500.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho Philippines, nhưng không nói rõ là loại nào.

Thế khó của người dân

Philippines hiện nay đang là ổ dịch lớn thứ hai tại Đông Nam Á sau Indonesia và người dân vẫn phải trải qua lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Không những vậy, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng mua vắc-xin phòng chống COVID-19 cho 110 triệu dân do hành động có phần chậm chạp so với các quốc gia khác.

Có thông tin lộ ra rằng một số nhân vật trong chính phủ đã được tiêm phòng vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc đã khiến dân chúng phẫn nộ.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 30/12 cho biết, một loại vắc-xin COVID-19 chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines phê duyệt đã được cung cấp cho Nhóm an ninh Tổng thống (PSG).

Ông Lorenzana gọi đó là vắc-xin “nhập lậu”, nhưng lý giải động thái này là “hợp lý” vì đây là những người thân cận với ông Duterte và họ làm vậy để tránh gây nguy hiểm tới sức khỏe của Tổng thống.

Ngày 4/1, người phát ngôn Phủ Tổng thống Harry Roque cho biết PSG đã không vi phạm luật khi tự tiêm vắc-xin và được Tổng thống Duterte khen ngợi vì lòng dũng cảm.

Người đứng đầu PSG là tướng Jesus Durante khẳng định số vắc-xin này là hoàn toàn an toàn và đã được đơn vị nghiên cứu kỹ càng.

Trước đó, ông Duterte nói rằng đây là vắc-xin của Sinopharm nhưng các quan chức dưới quyền ông luôn tránh nêu nguồn gốc của chúng.

Philippines đã mua 30 triệu liều vắc-xin hiệu Covovax từ Ấn Độ, 25 triệu liều vắc-xin Coronavac của Trung Quốc.

Tướng Carlito Galvez, người phụ trách chiến dịch chống COVID-19 của nước này cho biết, Chính phủ Philippines cũng đang đàm phán với 7 nhà sản xuất vắc-xin khác để đặt mua tổng số ít nhất 148 triệu liều vắc-xin, đủ nguồn cung để chích ngừa cho khoảng 2/3 dân số trong năm 2021.

Tuy nhiên, với tốc độ triển khai chậm trễ và số lượng các ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm thì nỗi lo của công chúng ngày một tăng lên.

Khi đó, người dân sẽ không còn cách nào khác là phải phụ thuộc vào chợ đen để kiếm những liều vắc-xin đắt đỏ, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn, ông Ronald Mendoza, Hiệu trưởng Đại học Ateno nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại