Chợ Ia Le sau 5 năm xây dựng vẫn chưa hoàn thành
Khốn khổ vì chợ tạm
Ngày 29/12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cho biết, ông Lê Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện, vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng có liên quan và UBND xã Ia Le về việc giải quyết đơn yêu cầu của hàng trăm tiểu thương chợ Ia Le.
Trước đó, hơn 102 tiểu thương chợ Ia Le đã gửi đơn cứu xét gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai để bày tỏ về sự bức xúc vì quá trình xây dựng chợ kéo dài nhiều năm trời.
Bà Bùi Thị S (tiểu thương chợ Ia Le) cho biết, từ năm 1990, người dân các tỉnh thành đi xây dựng kinh tế mới tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Người dân vì có nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hoá nên đã khai khẩn bãi đất hoang nằm sát Quốc lộ 14B để thành lập chợ.
Tiểu thương chợ Ia Le suốt 5 năm qua buôn bán tạm bợ ở chợ tạm
Năm 1995, UBND xã Ia Le ký hợp đồng cho các tiểu thương thuê đất để mở sạp với thời hạn 15 năm. Đến năm 2017, UBND xã Ia Le thông báo buộc các tiểu thương di dời khỏi chợ để tiến hành xây dựng chợ mới.
"Họ thông báo và yêu cầu chúng tôi di dời đến chợ tạm cách chợ cũ khoảng 4 km. Nhiều tiểu thương chưa kịp di dời thì đã bị rào chợ.
Việc quyết định xây dựng chợ chính quyền xã không họp lấy ý kiến của chúng tôi gì cả. Thời điểm đó, họ hứa sẽ hoàn thành chợ mới trong 2 năm và ưu tiên các tiểu thương đấu lại các sạp để buôn bán nên chúng tôi chấp nhận di dời", bà S cho biết.
Chợ tạm nhếch nhác, thiếu an toàn nhưng chợ mới kiên cố sau 5 năm vẫn chưa hoàn thành
Tiểu thương Lê Thị X cho hay, từ năm 2017 đến nay toàn bộ tiểu thương phải buôn bán tại chợ tạm với điều kiện hết sức thiếu thốn.
"Đường vào chợ ngày mưa thì nhão nhoét, sình lầy, ngày nắng thì bụi khủng khiếp. Cả chợ làm bằng gỗ tạm, phong bạt mà không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi buôn bán vừa khó khăn vừa luôn lo sợ.
Vậy nhưng chợ mới thì xây mãi mà 5 năm vẫn chưa xong", bà X bức xúc.
Chính quyền nói gì?
Các tiểu thương chợ Ia Le bày tỏ sự lo lắng khi chợ mới đang được xây dựng theo mô hình chợ lồng, có 2 tầng. Theo bà X, chợ lồng có tầng không phù hợp với mô hình chợ nông thôn, tạo sự bất tiện khi mua bán.
"Họ xây dựng cho tiểu thương nhưng không hề có buổi họp nào để lấy ý kiến chúng tôi, những người trực tiếp mưu sinh ở chợ", bà X nói.
Tiểu thương bức xúc trình bày sự việc
Theo đơn cứu xét, các tiểu thương bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền đẩy nhanh việc xây dựng chợ mới nhưng với mô hình phù hợp với chợ cấp xã.
"Mong khi chợ hoàn thành thì chính quyền tạo điều kiện cho các tiểu thương đấu giá ki-ốt, lô quầy với giá cả ưu đãi vì tình hình kinh tế khó khăn", đơn cứu xét bày tỏ.
Ngoài ra, các tiểu thương bày tỏ thắc mắc khi việc xây dựng chợ chưa hoàn thành nhưng chính quyền huyện Chư Pưh đã tổ chức đấu giá đất quy hoạch xung quanh chợ với mục đích đất ở lâu dài.
Liên quan đến phản ánh của các tiểu thương, ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh), cho biết kế hoạch xây dựng chợ là chủ trương của UBND huyện. Ông Việt cho rằng những phản ánh của người dân chưa đúng bản chất.
Chợ tạm ọp ẹp nhưng chợ mới ì ạch chậm tiến độ.
"Chúng tôi đã có thông báo di dời từ năm 2017 đến các tiểu thương. Phương án xây dựng chợ cũng đã có họp bà con để lấy ý kiến về mô hình", ông Việt cho biết.
Tuy nhiên, ông Việt không đưa ra được biên bản họp dân, thông báo di dời chợ như khẳng định và cho biết lý do là "lâu quá nên thất lạc".
Ông Việt cho hay, đơn cứu xét của người dân đã được UBND huyện tiếp nhận và chính quyền xã trong thời gian tới sẽ tổ chức đối thoại với các tiểu thương.