Phong tục lạ Tết cổ truyền của người Mông

Hạnh - Thu |

Năm nay, hoa đào nở sớm hơn trên những triền núi đem theo không khí rộn ràng của mùa xuân đến với những bản làng người Mông vùng cao Tây Bắc.

Cả một vùng đất trời như bừng sáng bởi màu của hoa cỏ, của giấy đỏ trang trí và màu của những vạt váy sặc sỡ trên khắp mọi nẻo đường. Vậy là, Tết đang đến rất gần...

Thơm ngon những hương vị núi rừng

Người Mông Yên Bái sống trên các triền núi cao, tập trung chủ yếu ở huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Với đồng bào nơi đây, Tết vô cùng ý nghĩa bởi đó là ngày của đoàn viên, ngày của no ấm và ngày của những niềm vui bất tận.

Đến Yên Bái vào dịp cuối năm, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn niềm hân hoan trên từng gương mặt.

Men theo con đường rừng quanh co đã được phạt cỏ gọn gàng, không khó để chúng tôi tìm đến nhà ông Giàng Chứ Ly, cán bộ xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải).

Khi PV đến, ông Ly đang buộc túm những bắp ngô cho gọn gàng để treo lên gác bếp. Góc bếp nhà ông Ly đầy những bao tải thóc, bao tải khoai.

Thấy khách, ông Ly dừng tay niềm nở chào rồi nói: "Thóc thì thu hoạch từ những ngày tháng 9, tháng 10. Ngô khoai đã sẵn sàng, còn gà lợn đang đầy sân.

Thiếu một buổi đi chợ nữa là sẽ có cái Tết ấm. Đi chợ Tết là để mua muối, mua thịt và áo mới cho mấy đứa nhỏ".

Trong ký ức của người Mông, những cái Tết ăn chơi cả tháng luôn là kỷ niệm đẹp.

Vốn ít ngày lễ nên với người Mông, dịp Tết là ngày được mong đợi nhất. Tết là dịp nghỉ ngơi sau một năm lao động hăng say, vất vả.

Nhấp chén trà ấm nồng, ngào ngạt hương thơm, ông Giàng Chứ Ly cho biết: "Đặc trưng rõ nét trong Tết của người Mông là tính cộng đồng.

Trước đây, do cách tính khác nhau nên Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng.

Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 Tết.

Như vậy, trước Tết của người Kinh 1 tháng, các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí mừng năm mới.

Lúc ấy, trong mỗi nhà, thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ, lợn gà, trâu bò đầy sân... người Mông lại an tâm đón một cái Tết đoàn viên.

Suốt một tháng trời, các gia đình tổ chức ăn uống, ca hát từ nhà này sang nhà khác.

Trẻ con có thể đến trường tuỳ thích. Người lớn không phải lên nương, ra ruộng trồng cấy.

Giống như những dân tộc khác, Tết cổ truyền của người Mông cũng có những nét độc đáo và những món ăn vô cùng hấp dẫn.

Nói về bánh dày - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông, ông Giàng Chứ Ly vẫn không khỏi tấm tắc về sự kỳ công khi làm nên sản vật này.

Bánh dày thể hiện sự công phu của những con người quanh năm gắn bó với ruộng nương, gói ghém những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Dịp Tết, nhà nào cũng cố gắng gói thật nhiều bánh, vừa để gia đình ăn, vừa để tiếp khách và biếu họ hàng.

Không khí cả gia đình quây quần cùng nhau sửa soạn gói bánh thật tưng bừng và náo nhiệt.

Ai ai cũng muốn chung tay để làm nên những chiếc bánh thơm ngon chào đón năm mới.

Gạo nếp dùng gói bánh được giã trực tiếp từ thóc mà không qua xay xát. Thường phần giã gạo là do những thanh niên to khoẻ đảm nhiệm.

Khi làm bánh, gạo được vò qua cho sạch rồi đồ chín bằng chõ gỗ. Khi đồ lửa phải đều thì xôi mới dẻo thơm. Khi xôi nếp chín đổ vào cối và giã ngay lúc còn nóng.

Họ giã xôi cho đến khi dẻo quánh thành một khối rồi chia nhau nhanh tay nặn thành từng chiếc nhỏ, tròn trịa.

Để tăng độ ngậy, bánh phải được thoa một chút mỡ và gói vào lá chuối đã hơ nóng.

Cũng theo lời ông Giàng Chứ Ly, ngày Tết là dịp những người phụ nữ Mông trổ tài nấu rượu, làm bánh ngô. Nguyên liệu chính được dùng là từ ngô.

Hương thơm của ngô kết hợp với một loại men đặc trưng cùng với bí quyết nấu rượu ngô từ nhiều đời nay của người Mông đã làm ra những chén rượu có hương vị thơm ngon, đậm đà.

Những tiệc rượu ngô có thể kéo dài cả ngày bên bếp lửa ấm cúng.

Những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô sẽ được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên cùng với gà trống sống đã được cắt tiết.

Trên bàn thờ lúc này cũng không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường - nơi người Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh.

Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.

Ông Giàng Chứ Ly.

Những điều kiêng kỵ cần chú ý

Ước vọng của người Mông trước ban thờ trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng vô cùng bình dị, gần gũi.

Họ cầu sức khoẻ, cầu bình an, cầu cho những thửa ruộng bậc thang luôn trĩu hạt, cầu cho cây ngô ra bắp, trâu, bò, gà, lợn lớn nhanh, không đổ bệnh.

Người Mông cũng có phong tục đến chúc Tết hàng xóm và họ hàng, uống với nhau chén rượu, ăn với nhau miếng bánh dày, miếng thịt và cùng chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.

Người Mông vô cùng coi trọng tinh thần nội tộc. Năm mới, họ hàng mà không sang thăm nhau là có thể giận nhau tới cả năm.

Theo những người dân bản địa, nhắc đến Tết của người Mông không thể không nhắc tới những điều cần kiêng kỵ.

Mùng một Tết, người phụ nữ trong gia đình được dậy muộn nhưng không nên đi xông nhà hoặc nếu vào nhà người khác phải vào bằng cửa phụ.

Người Mông coi trọng lửa và luôn đỏ bếp trong những ngày Tết.

Họ không ưa thích những ai thổi vào bếp nhà mình bởi theo quan niệm nếu có người thổi vào bếp hoặc làm tắt lửa thì năm tới cả gia đình họ sẽ gặp sóng gió, không may mắn.

Trải qua thời gian, những điều kiêng kỵ này không còn khắc nghiệt như trước đây, người Mông cũng du nhập thêm nhiều quan niệm khác song gia đình nào cũng mong không vướng vào những điều trên để họ luôn có một bầu không khí vui vẻ.

Trong những ngày đầu xuân, người Mông còn tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc như: Ném pao, múa khèn, múa ô, chơi quay...

Những năm gần đây, nhiều vùng còn tổ chức thêm một số môn thể thao mới như cầu lông, bóng chuyền.

Tết đến, xuân sang cũng là dịp các chàng trai cô gái bén duyên trong những phiên chợ, những ngày hội.

Họ gửi gắm tình cảm cho nhau qua tiếng khèn, ánh mắt, qua điệu múa mượt mà....

Để Tết vui lại càng vui hơn

Theo lời ông Giàng Chứ Ly: Từ năm 2012, thực hiện nếp sống mới, dân xã La Pán Tẩn cùng nhiều vùng khác trong tỉnh Yên Bái đã đồng lòng ăn chung một Tết Nguyên đán với đồng bào cả nước.

Dẫu biết rằng, Tết truyền thống của dân tộc mình là vui nhưng đồng bào nơi đây cũng hiểu được rằng, ăn Tết cả tháng trời sẽ không có thời gian để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình mà lại lãng phí, tốn kém...

Hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước, gia đình nào cũng hồ hởi hưởng ứng. Tết lại càng no ấm và vui tươi trên mỗi bản làng người Mông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại