Nhân dịp diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Guardian đăng tải bài viết của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Bắc (Mỹ) về tầm ảnh hưởng bí mật của 100 tỉ phú giàu có nhất nước Mỹ. RT cũng có bài phân tích về câu chuyện quyền lực và bí mật vận động hành lang trong chính giới Mỹ của cây viết người Ai-len Danielle Ryan. Dưới đây là phần lược dịch tổng hợp các bài viết về chủ đề này. Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn.
Bức tranh gây hiểu nhầm
Theo ước tính, hơn 5,2 tỉ USD được chi cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ và chuyện hàng trăm triệu USD trong số đó đến từ các nhà tài trợ tỉ phú không phải là điều bí mật.
Trong bài viết đăng tải trên Guardian hồi tuần trước, cây viết Chuck Collins cho biết, 3 gia đình giàu có nhất ở Mỹ - nhà Waltons của Walmart, gia đình nhà Mars và anh em nhà Koch - sở hữu khối tài sản tổng cộng 348,7 tỉ USD - cao gấp 4 triệu lần so với 1 gia đình bình thường ở Mỹ.
Nếu ta đánh giá giới tỉ phú Mỹ bằng cách nhìn vào những nhân vật xuất chúng nhất trong số họ thì có vẻ đó là một tập hợp khá thu hút: Đa dạng về tư tưởng, thẳng thắn bày tỏ quan điểm chính trị và hào phóng trong công tác xã hội - chưa kể tới ích lợi của những hàng hóa và việc làm mà họ góp phần tạo ra.
Những người khổng lồ top đầu - Warren Buffett, Jeff Bezos, Bill Gates - đều có lập trường thiên tả về nhiều vấn đề khác nhau.
Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos (trái sang). Ảnh tư liệu
Buffett và Gates là những hình ảnh mẫu mực về lòng bác ái. Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg thì được biết tới vì ủng hộ kiểm soát súng đạn, quyền của người đồng tính và bảo vệ môi trường. George Soros (người bảo hộ nhân quyền) và Tom Steyer (quan tâm tới thanh niên và các vấn đề môi trường) là những nhà tài trợ chính cho Đảng Dân chủ.
Không may là bức tranh này lại gây hiểu nhầm.
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học Tây Bắc (Mỹ) về 100 nhân vật giàu có nhất nước Mỹ cho thấy Buffett, Gates và Bloomberg gần như không phải là điển hình.
Phần lớn những nhà tỉ phú giàu có nhất của Mỹ - những người ít hiện diện và ít được đưa tin hơn - lại tương tự như Charles và David Koch, những nhà tài trợ "khủng" cho những động cơ bảo thủ cực đoan.
Họ vô cùng bảo thủ về các vấn đề kinh tế; ám ảnh với cắt giảm thuế, đặc biệt là thuế bất động sản - vốn chỉ áp dụng với những người Mỹ giàu có nhất; phản đối các quy định về môi trường hoặc ngân hàng của chính phủ; không nhiệt tình với các chương trình hỗ trợ việc làm, thu nhập, chăm sóc sức khỏe và lương hưu - những chương trình được phần đông người Mỹ ủng hộ.
"Chính trị tàng hình"
Vì sao tình hình lại như vậy? Nếu đó là sự thật, vì sao cử tri lại không hay biết và bức xúc về điều đó?
Câu trả lời rất đơn giản. Những nhà tỉ phú ủng hộ và nỗ lực thúc đẩy các chính sách kinh tế bảo thủ cực đoan thường im lặng trước dư luận. Đây là lựa chọn của họ. Các nhà tỉ phú có rất nhiều cơ hội tiếp cận với truyền thông, nhưng đa phần họ đều chọn không lên tiếng về các chính sách.
Họ làm điều mà các tác giả nghiên cứu gọi là "chính trị tàng hình" - nói cách khác thì họ không mấy khi công khai quan điểm chính trị nhưng lại chi những khoản tiền khổng lồ để lặng lẽ vận động các chính trị gia.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Tây Bắc đã đi tới kết luận này dựa trên một nghiên cứu về những gì 100 tỉ phú giàu nhất nước Mỹ từng nói và làm trong một khoảng thời gian kéo dài 10 năm, liên quan tới một số vấn đề quan trọng của chính sách công.
Hãy lưu ý tới an ninh xã hội, chương trình trong nước phổ biến và lớn nhất của Mỹ, một chủ đề được bàn cãi suốt nhiều thập kỷ.
Hầu như tất cả các nhà tỉ phú giàu có nhất của Mỹ đều có đóng góp tài chính đáng kể - lên tới hàng trăm nghìn USD hàng năm, cùng với những khoản "tiền đen" không được tiết lộ - cho các ứng viên Cộng hòa bảo thủ và những quan chức ủng hộ những bước đi nhằm cắt giảm, chứ không phải mở rộng phúc lợi an ninh xã hội.
Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm nghiên cứu, 97% các tỉ phú giàu có nhất không hề nói gì về chính sách an ninh xã hội.
Như vậy thì làm sao cử tri có thể biết được rằng phần lớn các tỉ phú đang tìm cách cắt giảm phúc lợi an ninh xã hội của họ?
Thực ra, những người chú ý tới truyền thông có khi còn nhầm tưởng hơn bởi phần lớn trong số những tỉ phú chịu lên tiếng về an ninh xã hội - như Buffett và Soros - lại ủng hộ một hệ thống an ninh xã hội hào phóng trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình hoặc các bài bình luận trên báo chí.
Hoặc hãy nhìn vào thuế bất động sản. Nghiên cứu đã lần dấu những hoạt động lặng lẽ của 12 trong số các tỉ phú giàu có nhất - gồm cả nhà Koch và những nhân vật thừa kế giàu có của nhà Walton và nhà Mars.
Những hoạt động ấy nhằm cắt giảm hoặc loại bỏ thuế bất động sản. Họ rót tiền cho các tổ chức định hướng chính sách nhằm loại bỏ thuế, hoặc thành lập những tổ chức như vậy và ngồi vào vị trí điều hành. Không có tỉ phú nào làm những hành động này mà lại ủng hộ thuế bất động sản.
Kết quả nghiên cứu giúp làm sáng tỏ cách thức mà mạng lưới chính trị tập hợp bởi anh em nhà Koch có thể trở nên quyền lực. Nhà Koch có một "mảnh đất màu mỡ" gồm rất nhiều tỉ phú bảo thủ không mấy tiếng tăm, bí mật rót hàng trăm triệu USD - những khoản đóng góp không được ghi nhận.
Năng lực tổ chức và kinh doanh của nhà Koch, cùng những khoản đóng góp "tàng hình" bởi những tỉ phú này đã làm sản sinh ra một lực lượng chính trị "hắc ám".
Anh em nhà Koch, gồm Charles Koch và David Koch (ảnh), đã tập hợp một mạng lưới chính trị gồm nhiều tỉ phú bảo thủ. Ảnh: SCOTT EELLS/BLOOMBERG/GETTY IMAGES
Chi hàng triệu để giữ được hàng tỉ
Nói như vậy không có nghĩa là các nhà tài trợ bảo thủ thì tồi tệ còn các nhà tài trợ tự do thì tốt đẹp - điều mà truyền thông tự do muốn chúng ta tin vào khi họ tôn vinh những người như George Soros, trong khi chỉ trích ảnh hưởng của anh em nhà Koch.
Thế nhưng, không thể phủ nhận một thực tế đơn giản là những nhà tỉ phú giàu có nhất của Mỹ thì rất bảo thủ - và chẳng mấy khi họ quan tâm tới việc tạo ra một xã hội công bằng, tốt đẹp hơn, có lợi cho tầng lớp lao động trung lưu ở Mỹ.
Nhưng bất kể quan điểm chính trị của những người rải tiền đó là gì thì đây vẫn là một hệ thống với một hình thức hối lộ được hợp pháp hóa. Sao có thể như vậy ư? Đối tượng mà các chính trị gia hàm ơn không phải là nhân dân mà là những nhà tài trợ giàu có và những lợi ích đặc biệt.
Cựu nghị sĩ Mick Mulvaney, hiện đang quản lý ngân sách Nhà Trắng, đã rất thẳng thắn về tất cả chuyện này trong một tiết lộ hồi tháng 4:
"Chúng tôi có một hệ thống phân tầng trong văn phòng của tôi ở Quốc hội. Nếu anh là một nhà vận động hành lang nhưng chưa bao giờ quyên tiền cho chúng tôi thì tôi không nói chuyện với anh. Nếu anh là nhà vận động hành lang từng quyên tiền cho chúng tôi, tôi có thể nói chuyện với anh".
Cựu nghị sĩ Mick Mulvaney. Ảnh: Reuters
Những nhà tài trợ và vận động giàu có đổ tiền vào các chiến dịch chính trị, biết rằng các chính trị gia sẽ phục vụ lợi ích của mình trong Quốc hội.
Ví dụ, tỉ phú bảo thủ Sheldon Adelson đã rót hơn 100 triệu USD vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018.
Nếu bạn tự hỏi vì sao người như Alderson, vốn đã sở hữu hàng tỉ USD, lại bận tâm tới cuộc bầu cử thì câu trả lời rất đơn giản. Như Collins viết trên Guardian, họ đang "chi hàng triệu để giữ được hàng tỉ cho mình". Trong khi đó, những người Mỹ bình thường, dù có hoạt động chính trị tích cực tới đâu, thì cũng gần như không có chút ảnh hưởng nào tới chính sách công.
Tuy nhiên, loại bỏ tiền bạc khỏi chính trị và giành lấy quyền kiểm soát nền dân chủ lại có vẻ không phải là mối quan tâm lớn đối với hầu hết người Mỹ. Thay vào đó, những nhân vật tinh hoa siêu giàu, với sự hỗ trợ của truyền thông chính thống, đã rất thành công khi đánh lạc hướng dư luận.
Đối với Đảng dân chủ, cái được cho là sự câu kết và can thiệp của Nga đã là chiến thuật đánh lạc hướng thành công kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử.
Còn với Đảng Cộng hòa và ông Trump thì những hành động làm gieo rắc sự sợ hãi về tình trạng di cư trong khi phớt lờ gốc rễ của vấn đề (thường là chính sách ngoại giao đầy bất ổn của Mỹ) là một chiến thuật đánh lạc hướng ra trò.
Khi người Mỹ không ngừng nhắc tới chuyện người Nga và dân nhập cư đe dọa mình, họ không còn tập trung vào thực tế rằng hệ thống chính trị mà họ đang vận hành chỉ phục vụ cho một bộ phận thiểu số công dân siêu giàu, những người sống trong nhung lụa.
Diễn viên người Mỹ Marsha Warfield đã đăng tải một dòng tweet: "Vì sao các bạn lại tức giận với những người dân di cư đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà không phải là một bộ phận nhỏ những kẻ tham lam đang vơ vét tài nguyên thế giới, trong khi chúng ta tranh giành nhau những vụn bánh mì?"
Năm 2016, khoảng 6,5 tỉ USD được chi cho những chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Số tiền đó đủ để tăng thêm 2.000 USD cho mỗi giáo viên. Ngoài rất nhiều cách sử dụng số tiền đó một cách hợp lý hơn, cũng có 1 thực tế rằng tiền là một rào cản khổng lồ đối với bất cứ người Mỹ nào muốn bước vào chính trường.
Nếu anh không quyên được tiền, anh không thể tiến hành chiến dịch - còn nếu anh tìm cách quyên được tiền (nhờ những nhà tài trợ giàu có), thì anh lại mắc nợ họ. Rất hiếm hoi mới có trường hợp một ứng viên xây dựng được chương trình vận động thành công mà không phải nhận tiền từ các nhà tài trợ lớn và các doanh nghiệp.
Đảng Dân chủ thường nhắc tới ý tưởng gạt tiền nong khỏi chính trị nhưng trên thực tế, cũng giống Đảng Cộng hòa, họ vui vẻ cầm lấy những đồng tiền mà bất cứ ai đưa cho.
Và dù chiến thắng về tay Đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì kỳ thực, cũng vẫn chỉ có một số ít giới tinh hoa nắm giữ toàn bộ quyền lực của nước Mỹ.