Chính trị gia TQ cảnh báo về cuộc chiến tài chính có tính toán Mỹ đang phát động nhằm vào Trung Quốc

Thi Anh |

Cựu Thị trưởng Trùng Khánh cho rằng, mặc dù một số bước đi của Mỹ trông có vẻ lộn xộn nhưng kỳ thực là có tính toán.

Cuộc chiến tài chính của Mỹ là có tính toán

Trung Quốc cần phải cảnh giác bởi Mỹ đang phát động một cuộc chiến tài chính có tính toán nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh, cựu Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm tuyên bố trong một cuộc hội thảo dành cho các sinh viên kinh tế do hội sinh viên Đại học Hạ Môn tổ chức - SCMP đưa tin.

Ông Hoàng cảnh báo rằng, mặc dù một số bước đi của Mỹ trông có vẻ lộn xộn nhưng kỳ thực là có tính toán.

"Có thể một số người cho rằng các chính trị gia và nghị sĩ [Mỹ] trông có vẻ ồn ào và những gì họ nói có phần lộn xộn... nhưng thực ra đằng sau đó, có những bước đi được tính toán cẩn trọng", ông Hoàng nói, "Thực ra đó là tổng hợp những bước đi trong một kế hoạch có hệ thống".

Cựu Thị trưởng Trùng Khánh, giờ là phó giám đốc Trung tâm về những Thay đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho rằng những bước đi này có thể bắt nguồn từ Luật trao Quyền Thúc đẩy thương mại 2015 (TPA) mà Quốc hội Mỹ thông qua năm 2015.

"Có một phần trong TPA nói rằng chính quyền Mỹ có thể tiến hành một loạt các biện pháp tương tự như chiến tranh thương mại và tài chính nhằm vào bất kỳ quốc gia nào mà Bộ Tài chính Mỹ gán cho là thao túng tiền tệ", ông Hoàng nói.

Ví dụ, TPA cho phép chính quyền Mỹ ngừng giao thương với bất cứ quốc gia nào nằm trong tầm ngắm, không tạo điều kiện cho những nước này tham gia vào thị trường tài chính Mỹ và cấm các ngân hàng, công ty tài chính Mỹ làm ăn với những nước ấy.

Chính quyền Mỹ cũng có thể gạt bỏ các công ty ấy khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế), ông Hoàng cảnh báo.

"Nếu các cơ quan tài chính mất kết nối với mạng lưới này thì đất nước sẽ không thể giao thương với các quốc gia khác và sẽ tạo ra những khó khăn khổng lồ", ông Hoàng nhận định và cho biết thêm rằng, những biện pháp khác bao gồm lợi dụng các cơ quan xếp hạng tài chính để hạ thấp điểm tín dụng nhà nước của một quốc gia và thúc đẩy biến động tiền tệ, gây thiệt hại cho các bên khác.

Lạc quan về Trung Quốc và châu Á

Ông Hoàng dành phần lớn thời lượng trong bài nói của mình để đề cập tới mối quan hệ đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc, và nhiều lần nhấn mạnh: Trung Quốc không được ảo tưởng rằng các thách thức sẽ sớm qua.

"Chúng ta cần phải gắn bó với lập trường chủ chốt... và làm tốt phần mình, bù đắp bất cứ thiếu sót nào ta có để có thể chuẩn bị đối phó với bất cứ loại chiến tranh thương mại nào".

Cựu Thị trưởng Trùng Khánh cũng khẳng định, ông lạc quan cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng năm nay, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ông Hoàng nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ tài chính để tái khởi động nền kinh tế nếu cần. 

Nhìn về tương lai, ông Hoàng dự đoán trọng tâm của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục dịch chuyển về châu Á và cho rằng Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng công, "miếng bánh" của Mỹ trong nền kinh tế thế giới sẽ giảm bớt.

"Hiện nay châu Á chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của thế giới. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn và tầm ảnh hưởng kinh tế của châu Á sẽ tiếp tục tăng lên. Dự đoán của cá nhân tôi là châu Á sẽ đạt 40% tính đến 2030 và 50% tính đến 2050", ông Hoàng nói. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại