Hãng thông tấn Nga TASS thông báo về việc chính thức sử dụng sau tuyên bố của nhà thiết kế chính của Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow, ông Yury Solomonov.
Nhà phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa làm rõ rằng quyết định về việc áp dụng nó đã được ký vào ngày 7 tháng 5 năm nay.
“Vào ngày 7 tháng 5 năm nay, một nghị định đã được ký kết về việc áp dụng hệ thống tên lửa Bulava” - Solomonov nói và cắt nghĩa rằng, quyết định đó đồng nghĩa với việc loại tên lửa này đã chính thức được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSBN).
Được biết, tên lửa chiến lược phóng từ trên biển RSM-56 Bulava (nghĩa là “Cái chùy”, tên ký hiệu của NATO cho Bulava là SS-NX-30) là tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn thế hệ mới nhất của Nga. Tàu mẹ của nó là các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Đề án 955/955A, lớp Borei.
Theo đặc điểm thiết kế, tên lửa có 3 tầng nhiên liệu tương ứng với 3 giai đoạn phóng, với chiều dài khoảng 12m, đường kính 2m, nặng 36,8 tấn, có khả năng mang theo sáu đầu đạn hạt nhân phân hướng, tấn công đa mục tiêu ở khoảng cách xa tới 8000-8500km.
Sáu đầu đạn này có khả năng cơ động theo hướng và độ cao khác nhau để tấn công vào các mục tiêu cách nhau 60-100km.
Các nhà phát triển của Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow cho biết, thiết kế của ICBM Bulava được trang bị các thiết bị tối tân có khả năng vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.
Lưu ý rằng, quá trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava bắt đầu vào giữa những năm 1990 nhưng những lần phóng đầu tiên của loại tên lửa này đã không thành công, Chỉ có 11 trong số 18 hoặc 19 vụ phóng thử của tên lửa Bulava được chính thức tuyên bố thành công.
Sau nhiều cải tiến và sửa đổi thiết kế, vào ngày 5 tháng 11 năm 2023, tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư mang tên “Hoàng đế Alexander III” (Imperator Aleksandr III) đã phóng thành công tên lửa Bulava từ Biển Trắng dọc theo thao trường Kura trên Bán đảo Kamchatka, như một phần của việc hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước.
Được biết, Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ vận hành 7 tàu ngầm lớp Borei, mỗi chiếc có thể được được trang bị 16 tên lửa Bulava, trong tương lai có thể Nga sẽ đóng thêm nhiều tàu ngầm hạt nhân mang theo loại tên lửa này.
Theo Dự án Phòng thủ tên lửa tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, SLBM Bulava đại diện cho “một thành phần cốt lõi trong Bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược của Nga”, gồm tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo; máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình và hệ thống ICBM cơ động trên mặt đất.