Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange. Ảnh: Reuters
Ngày 9-2, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Marc Raimondi nói chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phản đối phán quyết của thẩm phán Anh vào tháng 1 rằng ông Assange không nên bị dẫn độ về Mỹ vì ông này có nguy cơ tự sát.
Cụ thể, trong phán quyết ngày 4-1, thẩm phán Vanessa Baraitser nói: "Tôi thấy rằng tình trạng tinh thần của ông Assange tệ đến mức quyết định dẫn độ ông về Mỹ là sự độc ác". Bà Baraitser ấn định ngày 12-2 là hạn cuối để Mỹ kháng cáo phán quyết cấm dẫn độ của bà.
Ông Raimondi tuyên bố Mỹ sẽ thách thức phán quyết của bà Baraitser.
WikiLeaks khiến chính phủ Mỹ nổi giận sau khi công bố hàng ngàn hồ sơ và báo cáo từng là tuyệt mật của quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có những mô tả chi tiết về khả năng tấn công mạng của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). WikiLeaks còn tung ra hàng loạt email từ chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà Hillary Clinton và 1 cố vấn quan trọng. Bà Clinton và 1 số người ủng hộ bà cho rằng đây là 1 trong những lý do khiến bà thất bại trước đối thủ Donald Trump.
Tranh luận về những hành động Mỹ có thể thực hiện để dẫn độ ông Assange lần đầu tiên nảy sinh cách đây gần một thập kỷ khi ông Barack Obama giữ chức vụ tổng thống và ông Biden làm phó tổng thống.
Bộ Tư pháp của ông Obama quyết định không tìm cách dẫn độ ông Assange vì lý do những gì ông này và WikiLeaks làm quá giống với hoạt động báo chí được bảo vệ bởi Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã tăng cường chỉ trích công khai ông Assange và WikiLeaks chỉ vài tuần sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017 rồi nộp một loạt cáo buộc hình sự ngày càng gay gắt cáo buộc ông Assange tham gia vào một âm mưu tấn công mạng.
Người ủng hộ ông Assange đã gây áp lực lên chính quyền ông Biden để ông từ bỏ các cáo buộc chống lại người sáng lập WikiLeaks trong 100 ngày ở Nhà Trắng đầu tiên của ông Biden.