Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng hỗ trợ tín dụng phục hồi sản xuất, đặc biệt các ngành, DN có khả năng lan toả về tăng trưởng

Mạnh Đức |

Thủ tướng yêu cầu phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng.

Chiều 6/11 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng.

Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế.

Thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Có giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng hỗ trợ tín dụng phục hồi sản xuất, đặc biệt các ngành, DN có khả năng lan toả về tăng trưởng - Ảnh 1.

Thủ tướng cũng chỉ thị khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu.

Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại. Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch,…

Liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn hệ thống đến ngày 7/10 tăng 7,42% so với cuối năm 2020.

Trong 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3 điểm phần trăm, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng đã được hệ thống các tổ chức tín dụng cho vay thêm. NHNN cũng dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.

Quý IV hàng năm vẫn được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng. Năm 2020, tính đến cuối tháng 9, tín dụng tăng 6%, trong khi cả năm là 12%. Năm nay, đến cuối quý III, tín dụng tăng 7,42%, cao hơn so với năm trước, do đó tăng trưởng cả năm có thể cao hơn.

Trong báo cáo phát hành mới đây, BVSC dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% cho cả năm 2021. Nhóm phân tích cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng trong quý IV sẽ mạnh hơn 2 quý trước do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset dự báo trong kịch bản lạc quan, tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể khoảng 13%.

Bản thân các ngân hàng dự báo dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm 4 điểm phần trăm trong quý IV và tăng 12,3% trong năm 2021, dù thấp hơn mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ khảo sát quý III.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại