Chị gái của ông Milei là bà Karina cũng được cấp quyền công dân. Hồ sơ của họ được Rome xử lý nhanh chóng.
Ông Riccardo Magi, một nghị sĩ thuộc đảng đối lập +Europa lên án quyết định này, gọi đây là "sự phân biệt đối xử không thể chấp nhận được" đối với những người trẻ tuổi, những người chật vật trong nhiều năm với tình trạng quan liêu để có được quyền công dân.
"Hàng triệu người Ý sinh ra ở Ý, lớn lên ở đây, học tập, làm việc và nộp thuế ở đất nước này, không giống như Tổng thống Milei, phải trải qua hành trình gian khổ để có được quyền công dân", ông Magi nhấn mạnh trong video đăng trên mạng xã hội.
Luật hiện nay quy định người nước ngoài phải sống ở Ý trong 10 năm trước khi nộp đơn xin cấp quyền công dân, kể cả trẻ em sinh ra ở Ý có cha mẹ là người nước ngoài cũng phải đợi đến khi đủ 18 tuổi mới được nộp đơn.
Dù nhiều tổ chức như Oxfam kêu gọi giảm thời gian chờ đợi để phù hợp với các nước Liên minh châu Âu (EU) khác, như Pháp hoặc Đức, chính phủ của Thủ tướng cực hữu Giorgia Meloni kiên quyết không thay đổi.
Thủ tướng Meloni gặp Tổng thống Milei trong chuyến thăm cấp nhà nước ngày 13/12. Nhà lãnh đạo 54 tuổi của Argentina cũng đã cùng Thủ tướng Meloni tham gia Lễ hội Atreju, sự kiện dành cho thanh niên cánh hữu tại Rome do đảng Anh em Ý của bà tổ chức.
Hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ thân thiết vì những điểm tương đồng về ý thức hệ.
Tháng trước, bà Meloni đã tặng ông Milei bức tượng nhỏ thể hiện hình ảnh ông đang cầm cưa máy, ngụ ý nói đến thông điệp mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2023 để thể hiện ý chí cắt giảm quy mô chính phủ.
Ông Milei không phải tổng thống Argentina đầu tiên được cấp quốc tịch Ý.
Ông Mauricio Macri, người giữ chức tổng thống Argentina từ năm 2015 - 2019, cũng có hộ chiếu Ý .